Gian nan cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả
Hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường. Việc xử lý hàng lậu, hàng giả ở lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học dùng trong nông, lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc. Xử lý hàng lậu được nhiều đại biểu ví von như chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”. Đó là những thông tin tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú chủ trì, diễn ra chiều qua, 2/12.
Chống buôn lậu ngay từ biên giới.
Sai phạm rõ nhưng vẫn khó xử lý
Tại cuộc họp, Trung tướng Đồng Đại Lộc (Bộ Công an) nhận xét, “quản lý nhà nước chưa đủ mạnh, chưa đủ tầm, buông lỏng trong quản lý, nặng về xử phạt, trong khi mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, nhận biết những mặt hàng này là hàng giả bằng cảm quan là rất khó, kinh phí giám định lại cao, không thể xử lý được ngay”. Ông Lộc cũng dẫn ra ví dụ về vụ Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) sản xuất phân bón giả xử lý khó khăn vì công tác giám định cũng như các quy định để xử lý hành vi phạm chưa cụ thể.
Ông Nguyễn Hạc Thúy- Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng nói, “hai đoàn của Trung ương vào thanh tra nhưng không có kết quả vụ Thuận Phong, trong khi giả đã là rất rõ ràng, như vậy là quá nguy hiểm”.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ)- ông Vũ Đại Dương khi giải trình về vấn đề này vẫn có ý kiến khác. Vì thế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc: “Chúng ta ngồi đây là để thẳng thắn bàn các giải pháp quyết liệt tạo chuyển biến tình hình, chứ không phải để nghe bao biện cho sai phạm”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cẩn- Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 nói, “đừng lấy lý do các văn bản pháp luật chưa đẩy đủ, chưa đủ sức răn đe, cái quan trọng là chúng ta chưa kiên quyết, các lực lượng chưa thực sự vào cuộc, các địa phương chưa thực sự nỗ lực”.
Ông Cẩn đề nghị việc quản lý mặt hàng phân bón, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về phân bón vô cơ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về phân bón hữu cơ. Phân định như vậy cho rõ trách nhiệm. Nếu không phân biệt rõ trách nhiệm trong quản lý thì chống buôn lậu, hàng giả của chúng ta sẽ cứ mãi như bắt cóc bỏ đĩa”- ông Cẩn nhấn mạnh.
Còn ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) nêu lên “bài học từ gia cầm nhậu lậu, cơ quan thú y chịu trách nhiệm bắt về, địa phương chịu trách nhiệm xử lý giải quyết, rõ ràng như vậy thì mới không rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhận xét, “nếu cứ tổ chức cắt khúc, không có đầu mối như hiện nay thì rất khó”.
Không để vi phạm nhởn nhơ
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, 11 tháng 2015 lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 3.091 vụ , xử lý 878 vụ xử phạt vi phạm hành chính là 10,6 tỷ đồng, tịch thu tang vật ước tính gần 39,7 tỷ đồng đối với mặt hàng phân bón.
Đối với mặt hàng phụ gia thực phẩm kiểm tra trên 232 vụ, phát hiện, xử lý 211 vụ, xử phạt vi phạm hành chính là 1,6 tỷ đồng, trị giá tang vật tịch thu tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vât, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc không được phép sử dụng kiểm tra 652 vụ, xử lý 593 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 2,86 tỷ đồng. Trị giá tang vật tịch thu và tiêu hủy gần 3,5 tỷ đồng…
Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT- ông Nguyễn Văn Việt cho biết, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã thanh tra, kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, đã phát hiện 1.107 cơ sở có hành vi vi phạm, xử phạt trên 5 tỷ đồng. Nơi phát hiện nhều vi phạm nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương…
Trần tình về những cái khó trong quản lý hàng hóa liên quan đến lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết, “thực tế rất nhiều cái khó chứ không chỉ như các con số mà chúng ta thấy khi ngồi đây”. Vẫn theo ông Thúy, “trước đây chúng ta giao việc quản lý các lĩnh vực này cho Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm chính, nhưng nay giao cho nhiều Bộ, ngành nên chồng chéo, rất khó. Rồi xuống đến các địa phương, nhiều vụ việc chìm xuồng.
Các lực lượng chức năng quản lý lĩnh vực này nếu không nghiêm khắc thì đây chính lại là lực lượng tiếp tay, bảo kê cho hàng lậu, hàng giả”. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, “vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm nếu xử lý nghiêm thì hoàn toàn có thể chấn chỉnh được, nhưng chính quyền đia phương nhiều khi chưa quan tâm”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Phân bón giả, thực phẩm bẩn…là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và không chỉ có vậy, còn làm ảnh hưởng đến cả uy tín quốc gia, cần chấn chỉnh. Đây là một mệnh lệnh của nhân dân đối với chúng ta.
Thực tế, biện pháp xử lý với mặt hàng giả đội lốt hàng thật này chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Để xảy ra tình trạng này là bởi, có một bộ phận cán bộ tha hóa đang bảo kê, tiếp tay, tham nhũng, tiêu cực.
Vì vậy, phải tập trung các giải pháp để tạo được chuyển biến căn bản từ nay đến Tết Nguyên đán, xử lý hành chính ở mức cao nhất như đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh.
“Không để hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành, vi phạm nghiêm trọng mà vẫn nhởn nhơ trước pháp luật”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.