Góp ý về chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm

Thuỷ Anh 03/12/2015 09:08

Ngày 2/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với tổ chức NGOIC tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã được đưa ra, trong đó nổi bật là thực trạng bất cập về an toàn thực phẩm.

PGS. TS Ngô Thế Hiển, Chủ tịch Hội KHCN Lương thực, thực phẩm Việt Nam nêu ra thực tế một số nguy cơ, bất cập về ATTP, điển hình như: Rượu pha chế từ cồn công nghiệp; sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chất kích thích sinh trưởng, làm chín quả; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

Cho rằng việc sử dụng thuốc BVTV ngày càng nghiêm trọng trong trồng trọt, ông Nguyễn Đình Thông, Phòng Quản lý ATTP và Môi trường (Cục Bảo vệ thực vật) chia sẻ: Đa phần nông dân sử dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, bảo quản thực phẩm, tuy nhiên do trình độ người dân còn thấp nên sử dụng chưa đúng, tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đình Thông cũng cho biết thêm, kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất rau, quả, chè năm 2012 đã chỉ ra một số tồn tại và nguyên nhân chính về mất ATTP có liên quan đến thuốc BVTV là do Công tác quản lý còn nhiều hạn chế, cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý còn thiếu. Tỷ lệ xã/phường có cán bộ làm công tác BVTV thấp. Người sản xuất còn lạm dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại.

Từ ý kiến trên, PGS TS Hồ Uy Liêm, Ban chủ trì hội thảo cũng nhìn nhận tổng quát: Hiện nay chúng ta thấy các văn bản thì khá nhiều nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào?

Nhằm giảm thiểu nguy cơ, bất cập về ATTP, PGS. TS Ngô Thế Hiển đưa ra một số nhóm giải pháp. Về nhóm giải pháp khung pháp lý và quản lý nhà nước ông cho rằng cần sửa đổi và bổ sung Luật, văn bản dưới Luật, Chiến lược ATTP, chính sách hỗ trợ; Đầu tư cho KHCN; Hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn: GAP, GMP, ISO, HACCP; Kiểm tra, hậu kiểm, xử phạt vi phạm hành chính ATTP.

Nhóm giải pháp doanh nghiệp, doanh nghiệp và nhà sản xuất cần làm tốt công tác dán nhãn thực phẩm: “Nhãn sạch, nhãn Xanh, TP Hữu cơ, GMF”; Cam kết áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng ATTP: ISO, HACCP, VietGAP, GlobleGAP…

Góp ý giải quyết riêng về vấn đề thuốc BVTV, ông Nguyễn Đình Thông cho rằng Bộ Y tế cần sớm ban hành Thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV (MRLs) trong thực phẩm. Định kỳ hàng năm, Bộ Y tế xem xét, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư này để đưa thêm hoặc loại bỏ giá trị MRLs.

Luật ATTP là vấn đề được toàn hội thảo quan tâm và dành nhiều thời gian góp ý. PGS. TS Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật đưa ra một số nội dung: Về nguyên tắc của Luật, ông Vân cho rằng phải bao quát, ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dài dòng nhưng không rõ ràng và phiến diện.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình cao với quan điểm cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề vệ sinh ATTP liên quan đến toàn xã hội, đòi hỏi có sự vào cuộc của toàn dân, nhưng luật ATTP thực ra chưa đề cập nhiều đến vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội, người dân. Thêm vào đó là quy định về chế tài luật còn nhẹ, thực hiện kém nên nhiều tổ chức, cá nhân còn nhờn luật, hiệu quả thực thi không cao.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Vấn đề ATTP là vấn đề rất quan trọng, rất lớn nhưng cũng rất khó để làm tốt. Nếu chúng ta không huy động được lực lượng xã hội thì không thể làm được. Chính vì thế, cần phải nâng cao vai trò của các hội và hiệp hội, Mặt trận và đoàn thể...

Thuỷ Anh