Anh sắp tham gia không kích IS ở Syria?
Quốc hội Anh trong hôm 2/12 đã tổ chức bỏ phiếu về việc tham gia chiến dịch không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ Syria, dọn đường cho một chiến dịch không kích mới của không quân nước này có thể bắt đầu chỉ trong vài ngày tới.
Có khả năng Anh sẽ tham dự các chiến dịch không kích ở Syria. (Ảnh: Sputnik).
Thủ tướng Anh David Cameron, người đang kêu gọi không kích sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu ở Paris hồi tháng trước, đưa Hạ viện nước này vào cuộc tranh luận kéo dài 10 giờ đồng hồ về việc có nên tham gia liên minh quân sự chống khủng bố mà Mỹ đang dẫn đầu hay không.
Các vị Bộ trưởng trước cuộc bỏ phiếu đã tự tin rằng đại đa số các nhà lập pháp nước này sẽ nói “có” - tức là bật đèn xanh cho các chiến đấu cơ của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) không kích các mục tiêu ở Syria bắt đầu ngay từ cuối tuần này.
Bản thân ông Cameron khẳng định, rằng hành động quân sự là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố như sự kiện đẫm máu đã cướp đi 130 sinh mạng ở thủ đô Pháp hôm 13-11, đồng thời nhấn mạnh rằng hành động này sẽ giúp thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
“Tôi sẽ đưa ra tranh luận của mình và hy vọng rằng sẽ thu hút được càng nhiều thành viên Quốc hội ủng hộ càng tốt”- ông Cameron nói trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia, các nhà làm luật vẫn tỏ rõ sự hoài nghi, trong khi hàng nghìn người biểu tình phản đối chiến tranh đã tổ chức tuần hành ở thủ đô London cuối tuần trước và trong hôm 1-12 để phản đối việc quân đội Anh tham gia không kích. Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự lại đặt ra câu hỏi rằng, việc Anh tham gia không kích IS ở Syria liệu có giúp liên minh chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống IS? Hay chỉ đơn thuần là muốn thể hiện rằng nước này đang sát cánh cùng các đồng minh Pháp và Mỹ.
“Việc này sẽ không đem đến sự khác biệt lớn nào cả”- GS Malcolm Chalmers, chuyên gia quân sự thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói với hãng AFP- “Nó (việc tham gia không kích của Anh - PV) chỉ mang tính biểu tượng mà thôi”.
Tính đến nay, Anh đã triển khai 8 chiến đấu cơ Tornado cùng một số lượng không rõ các máy bay không người lái (UAV) tham gia các chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Iraq. Còn trên lãnh thổ Syria, Anh mới chỉ thực hiện các nhiệm vụ do thám và thu thập thông tin tình báo. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này dự kiến sẽ được công bố vào 7h00 sáng nay (giờ Việt Nam), thậm chí có thể muộn hơn nếu cuộc tranh luận chưa ngã ngũ.
Thủ tướng Cameron đã tuyên bố tổ chức bỏ phiếu từ hôm đầu tuần, sau khi đảng đối lập lớn nhất là Đảng Lao động Anh đã cho phép các thành viên của mình trong Quốc hội tự do bỏ phiếu chứ không ép họ phải phản đối chiến dịch không kích như quan điểm của thủ lĩnh Jeremy Corbyn.
Quyết định của Đảng Lao động dường như đã bật đèn xanh cho các thành viên trong đảng này được thỏa sức thể hiện sự ủng hộ lời kêu gọi không kích của ông Cameron và nhờ vậy mà có khả năng cao là đại đa số thành viên Quốc hội Anh phê chuẩn kế hoạch không kích này.
Tuy nhiên, ông Cameron cũng gặp trở ngại đến từ phía Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sau khi cơ quan này lo ngại về tính hợp pháp của hành động trên, tính hiệu quả của nó trong khi thiếu vắng đi các đồng minh đáng tin cậy dưới mặt đất và khả năng thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
Ngoài ra, Thủ tướng Cameron cũng phải đối mặt với nhiều câu hỏi đến từ các thành viên Quốc hội liên quan tới tuyên bố cho rằng có 70.000 chiến binh nổi dậy “ôn hòa” ở Syria sẵn sàng hỗ trợ Anh giữ các phần lãnh thổ chiếm lại được bằng không kích.
Hôm 1/12, trước khi Anh tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch không kích ở Syria, IS đã đưa ra cảnh báo về một vụ thảm sát đẫm máu có thể sẽ xảy ra nếu như các nghị sĩ bỏ phiếu tán thành tiến hành các cuộc không kích. Tạp chí tuyên truyền Dabiq của IS đã in bài viết với nội dung: “Pháp và những kẻ theo sau nên biết rằng họ vẫn là mục tiêu của IS và họ sẽ tiếp tục ngửi thấy mùi của chết chóc nếu xúc phạm nhà tiên tri của chúng tôi, tiếp tục khoe khoang về cuộc chiến chống Hồi giáo ở Pháp và tấn công người Hồi giáo trên đất của “đế chế” bằng không kích”. |