Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XIV: Nóng chuyện dân sinh

Lục Bình 04/12/2015 07:35

Ngày 3/12, HĐND TP Hà Nội đã dành trọn 1 ngày để chất vấn các trưởng ngành về 4 nhóm vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận. Bình luận về các phiên chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng, vai trò quản lý nhà nước chưa rõ trong trả lời của các trưởng ngành.

Nợ đọng, trốn thuế tăng

Với nhóm vấn đề về thuế, phí, nhiều câu hỏi của đại biểu (ĐB) đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng khiến tình trạng nợ đọng, trốn thuế năm sau cao hơn năm trước. ĐB Nguyễn Thị Thùy đặt câu hỏi: “Chúng ta có tổ đội, có cán bộ chuyên trách tại sao các doanh nghiệp mới đăng ký, không hoạt động lại không theo dõi được, để nợ thuế lớn?”.

ĐB Phạm Thanh Mai nêu lại con số 10 tháng đầu năm có 12.557 DN bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 47% so với cùng kỳ 2014) và phần lớn DN này đều nợ thuế;vậy có bao nhiêu DN bỏ địa chỉ kinh doanh Cục Thuế Hà Nội có nắm được?

Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, từ năm 2007, trước thời điểm khủng hoảng tài chính lan rộng, số nợ thuế là trên 2.000 tỷ, chiếm 5%. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng lan rộng, cộng với tình hình bất động sản đóng băng, đến năm 2014, số nợ thuế tăng có khả năng lên 18.699 tỷ đồng.

Hiện nay, tiền chậm nộp 10 tháng đầu năm 2015 là 7.092 tỷ, chiếm 36,8% tổng nợ. Còn số tiền thuế từ các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên rất nhanh. Theo thống kê hiện nay gần 2.500 tỷ đồng nợ thuế của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng, tạm nghỉ.

Cho biết thêm thông tin về việc các đối tượng bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Công an đã tiến hành xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, tiến hành truy thu thuế.

Chưa rõ trách nhiệm

Với nhóm vấn đề về quản lý đô thị, nhà ở, đất đai-trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Đức Hiếu, trên 20 năm nay Công viên Tuổi trẻ chưa được đầu tư xây dựng, để nhiều đơn vị khai thác không có hiệu quả, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết: Chúng tôi rà soát tổng thể, yêu cầu 31/12/2015 hết hợp đồng với 3 bãi xe đó và chúng ta có thêm diện tích cho vườn hoa, thảm cỏ cho người dân. Còn 9 điểm còn lại Sở sẽ làm việc với UBND quận Hai Bà Trưng, sẽ rà soát các sân tennis, nhà hầm, sân bóng đá mini để thực hiện phương án cưỡng chế.

ĐB Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng ra sao khiến nhiều sai phạm ngay giữa trung tâm TP xảy ra, đến khi báo chí phanh phui chính quyền mới biết? Bao giờ quy chế phối hợp mới phát huy tác dụng?

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết, để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan trong điều hành, có nguyên nhân thuộc cơ chế. Về điều hành, trước hết là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Đương nhiên cũng có sự lỏng trách nhiệm của các cấp chính quyền. Về cơ chế, chính sách còn không ít tồn tại.

Chẳng hạn, luật nói rõ, phải xử lý nghiêm nhưng mới đây Bộ Xây dựng lại đồng ý cho một số sai phạm không sai quy hoạch thì áp dụng biện pháp kinh tế, có nghĩa phạt cho tồn tại. Chúng tôi đã yêu cầu không thể để xảy ra tình trạng này. Hà Nội phải làm gương.

Trang thiết bị hiện đại - vẫn cháy!

Trả lời câu hỏi Hà Nội là TP được đầu tư khá bài bản, trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mà cháy vẫn thường trực gây bất an trong dư luận, Giám đốc Sở PCCC Hoàng Quốc Định cho biết: Nguy cơ cháy nổ còn tiềm ẩn, cháy là thường trực do điều kiện hạ tầng còn nhiều bất cập, đặc biệt là nhà chung cư. Theo ông Định, gần đây người dân đã đề cập đến vấn đề trách nhiệm trong việc để xảy ra cháy chứng tỏ người dân rất quan tâm đến vấn đề này. Ông Định hy vọng, công tác PCCC sẽ có chuyển biến tích cực vì ý thức của người dân về PCCC đã được nâng lên một bước.

ĐB Nguyễn Hoài Nam bình luận, sự đầu tư, ban hành cơ chế đặc thù cho cơ quan PCCC ở Thủ đô rất lớn nhưng tôi có cảm giác chúng ta tự thỏa mãn với điều ta làm được. Qua giám sát tại quỹ nhà tái định cư do TP là chủ đầu tư, công tác vận hành, quản lý PCCC còn bất cập. PCCC ở những tòa nhà này là “3 không”, máy bơm không hề hoạt động, không bơm được giọt nước nào? Nếu xảy ra cháy ở đây là thảm họa, thế nhưng vấn lửng lơ trách nhiệm! UBND TP có biết việc này không, bao giờ khắc phục hệ thống máy bơm cho PCCC?

Trả lời trách nhiệm về PCCC, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, đây là vấn đề TP rất quan tâm, cá nhân ông tiếp thu ý kiến này và hứa sẽ có phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Tung thực phẩm mất an toàn ra thị trường là giết người

ĐB Lê Văn Thành bình luận, tội giết người thì thấy chung thân, tử hình, thực phẩm mất an toàn đang ăn mòn sức khỏe là tội giết người mà chưa xử lý ai. Những năm qua, TP đưa ra nhiều biện pháp, chế tài mà vi phạm vẫn tràn lan không kiểm soát, liệu có giải pháp mạnh để xử lý dứt tình trạng này. ĐB Nguyễn Trung Hai chất vấn, Hà Nội có thống kê được trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không? Có kiểm soát được thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, bao giờ mới dứt tình trạng thức ăn chăn nuôi kém chất lượng lưu hành trên địa bàn?

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua Hà Nội có rất nhiều nỗ lực cải thiện tích cực đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Về quản lý thực phẩm trong thời gian tới, ông Hiền cho biết, nòng cốt ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương đã thành lập thanh tra chuyên ngành y tế, đã thí điểm ở 5 quận huyện. TP đã ban hành chương trình chung tay vì an toàn thực phẩm, yêu cầu cơ sở cam kết chất lượng an toàn thực phẩm, đồng thời tăng chế tài xử lý… hy vọng với những giải pháp như vậy, những vấn đề nhức nhối trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ dần được giải quyết.

Về chất cấm trong chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, trên địa bàn có 64 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và 400 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hằng năm thanh tra sở, chi cục thú y tiến hành kiểm tra các cơ sở thức ăn chăn nuôi này, đặc biệt là kiểm tra mẫu thức ăn. Đã có 1000 mẫu được đưa đi kiểm nghiệm và không phát hiện chất cấm trong chăn nuôi.

Về chất tạo nạc, ông Việt thừa nhận, có chuyện một số cơ sở nhỏ lẻ bán một số chất cấm tuồn từ Trung Quốc sang và người chăn nuôi mua và trộn vào thức ăn thì rất khó kiểm soát. “Chúng tôi đã họp bàn đi đến kết luận phải khống chế ngay từ cửa khẩu”- theo ông Việt.

Lục Bình