Di sản kéo co: Bảo tồn theo hướng tôn vinh sự gắn kết cộng đồng

Minh Quang - Minh Sơn 04/12/2015 09:45

Lần đầu tiên Việt Nam có một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh “chung” cùng với các nước- đó là trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống. Vậy sau vinh danh, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này ra sao, đây là băn khoăn đang được đặt ra.

Di sản kéo co: Bảo tồn theo hướng  tôn vinh sự gắn kết cộng đồng

Trò chơi kéo co ở Việt Nam. (Ảnh Tư liệu).

Theo ghi nhận của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống không riêng có ở Việt Nam mà mang tính liên quốc gia gồm Campuchia, Philippines, Hàn Quốc.

Trong số rất nhiều những di sản văn hóa phi vật thể còn đang phải xếp hàng chờ đến lượt phong danh, sở dĩ trò chơi kéo co được ưu tiên bởi đó là sự ghi nhận cũng như đánh giá cao việc các quốc gia nói trên cùng liên kết để xây dựng hồ sơ di sản.

Hồ sơ di sản đệ trình UNESCO cũng phân tích rõ, nghi lễ này ở mỗi nước cũng khác nhau. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc được tổ chức hoành tráng, công phu hơn. Campuchia tổ chức nghi lễ vào đầu năm mới của người Khmer, hoặc nghi lễ liên quan nông nghiệp. Philippines lại tổ chức trong nghi lễ kết thúc mùa vụ để tạ ơn thần linh.

Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, với trung tâm là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.

Thêm nữa, di sản còn được thực hành thường xuyên bởi các tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam như người Tày, người Thái và người Giáy tỉnh Lào Cai, vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử. Ngay tại Việt Nam cũng có 4 địa phương chung tay xây dựng hồ sơ di sản: quận Long Biên, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) và huyện Bắc Hà (Lào Cai).

Sau vinh danh, việc thực hiện những cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản kéo co ra sao? Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, không nên nhân rộng loại hình di sản văn hóa này.

“Chúng ta nên giữ hoạt động văn hóa linh thiêng ở trong cộng đồng, môi trường văn hóa của họ. Cứ giữ ở mức độ phường xã như hiện nay, di sản còn có cơ hội giữ được nguyên bản”- ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, khi các nước cùng ngồi lại với nhau để xem các nghi lễ kéo co, những chuyên gia di sản đều nhận thấy rằng nền tảng của văn hóa Đông Nam Á, thể hiện ở sự cầu mong mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh và xóm làng bình yên… Với trò chơi và nghi thức kéo co cũng như vậy.

GS Đặng Hoành Loan cho rằng, kéo co là trò chơi rất phổ biến và khi được vinh danh sẽ rất thuận lợi cho việc gắn kết trong cộng đồng. Trên thực tế, kéo co vốn là hoạt động nghi lễ lại đang có xu hướng phát triển thành trò chơi, thành môn thể thao, mà khi trở thành môn thể thao thì tính nghi lễ, sự gắn kết, giao lưu văn hóa giữa các thành viên trong cộng đồng sẽ giảm. Đây cũng là thách thức đối với công tác bảo tồn di sản, sau khi được vinh danh.

Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền rằng: kéo co phải được coi là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng thay vì nghiêng sang hình thức trò chơi và phổ cập nó như trò chơi.

Đồng tình với việc bảo tồn trò chơi và nghi lễ kéo co trong môi trường tín ngưỡng, nhưng GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cũng phân tích: Cần phải nghiên cứu và có hình thức bảo tồn phù hợp để làm sao phát huy được những giá trị độc đáo của di sản, gắn với tín ngưỡng, đồng thời phải hòa quyện được trong nhân dân. Riêng với di sản này, có một cách bảo tồn rất tốt mà chúng ta cần lưu ý, đó là đời thường hóa di sản để trở thành trò chơi.

Chia sẻ quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ: Di sản chỉ thực sự có giá trị khi có ích cho con người. Lâu nay chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản. Có thể nói, trong chừng mực nào đó, vai trò của cộng đồng chưa được xem trọng với tư cách là chủ thể văn hóa. Chúng ta vẫn thiên về bảo vệ di sản văn hóa nhưng quên mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa là nhằm phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển con người.

Di sản văn hóa phải mang lại lợi ích cả về văn hóa lẫn kinh tế cho những chủ thể sáng tạo văn hóa - những người đang sống bên cạnh di tích và luôn làm nhiện vụ bảo vệ di tích.

Trong nhiều trường hợp, người ta muốn hy sinh việc bảo tồn di sản cho phát triển và đã gây ra nhiều tác động tới di sản văn hóa. Cho nên chúng ta cần phải quan tâm, gắn việc bảo tồn di sản với việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng để họ được hưởng lợi ích tinh thần và vật chất từ việc tham gia bảo tồn di sản văn hóa. Cái gì mang lợi ích cho cộng đồng thì sẽ được trân trọng và yêu mến.

Minh Quang - Minh Sơn