Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản: Nhiều rủi ro

Phương Nguyên 04/12/2015 15:22

Những năm gần đây, dù là một nước có thế mạnh ngư nghiệp nhưng nguyên liệu phục vụ chế biến ngành thủy sản đã có dấu hiệu phải nhập khẩu ở một số mặt hàng chủ lực. Ngoài sự bị động và tốn kém, hệ lụy của việc nhập khẩu còn là bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư…

Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản: Nhiều rủi ro

Chủ động nguyên liệu là hướng đi bền vững.

Hiện nay, thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam phải kể đến các nước như Ấn Độ (chiếm 31,8%), Nauy, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc với thị phần lần lượt là 7,1%, 6,7%, 6,1% và 5,9%. Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ là Hàn Quốc (gần 82%). Lý giải vấn đề này, Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho biết, đó là hiện tượng xảy ra trong một số thời điểm nhất định khi hết vụ thu hoạch tôm nên tôm nguyên liệu Việt Nam ít và giá cao hơn. Hiện tại, số lượng tôm nguyên liệu NK chưa nhiều, mới khoảng trên dưới 10 nghìn tấn/năm, trong khi sản lượng tôm Việt Nam hàng năm đã đạt xấp xỉ 650 - 700 nghìn tấn.

Tuy chưa nằm trong ngưỡng cảnh báo, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc phụ thuộc nhập khẩu này không chỉ ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của DN mà về lâu dài có thể ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam. Vì tình trạng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản này đã gây bất cập, ngoài giảm sụt thu nhập cho ngành thì đang có những cảnh báo nóng đấy chính là bệnh truyền nhiễm ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư… đã phát sinh với nhiều lô hàng nguyên liệu thủy sản được nhập.

Theo thống kê, vào kì nhập khẩu cao điểm trong năm nay, các cơ quan thú y cửa khẩu Việt Nam phát hiện 23 lô hàng thủy sản giống gồm cá mú giống, tôm giống nhập khẩu vào Việt Nam có mầm bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêu hủy. Về kết quả xét nghiệm đối với tôm nguyên liệu đông lạnh nhập khẩu để gia công xuất khẩu, chỉ trong tháng 8 tháng nay, cơ quan Thú y cửa khẩu lấy mẫu giám sát 100% các lô hàng nhập khẩu của 13 công ty ở Ấn Độ, phát hiện 6 mẫu dương tính với mầm bệnh đốm trắng (gồm có 4 mẫu tôm thẻ và 2 mẫu tôm sú).

Liên quan tới kết quả kiểm tra sản phẩm thủy sản NK để tiêu thụ trong nước, cơ quan Thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm, chất tồn dư. Kết quả phát hiện thấy có 2 lô mực đông lạnh có nguồn gốc từ Đài Loan có chất tồn dư kim loại nặng (Cadimi) vượt quá giới hạn cho phép.

Xung quanh vấn đề kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, Cục Thú y đã đề nghị các nước xuất khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ về yêu cầu vệ sinh thú y. Trong đó cần chú ý nhất là vấn đề an toàn thực phẩm và dịch bệnh thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm thủy sản. Đối với thủy sản giống có các lô hàng nhiễm mầm bệnh và có chất tồn dư vượt quá giới hạn cho phép để thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định.

Để ngăn ngừa từ xa, được phép của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y cũng đã cử các đoàn cán bộ sang kiểm tra thực tế tại Ấn Độ. Ngoài ra, Cục Thú y cũng đề xuất, đối với tôm nguyên liệu và sản phẩm thủy sản khác nhập khẩu để gia công xuất khẩu bị nhiễm bệnh, chất tồn dư, sẽ tăng tần suất lấy mẫu từ các nhà máy chế biến để kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh, chất tồn dư… Nếu tiếp tục vi phạm sẽ thông báo tạm ngừng nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT thì các tình huống trên chỉ mang yếu tố tạm thời. Muốn có sự bền vững và tránh đi các nguy cơ thì việc chủ động nguyên liệu trong nước vẫn quan trọng nhất. Để làm chủ động vấn đề này, ngay trong năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã thường xuyên chỉ đạo hướng dẫn người nuôi đẩy mạnh nuôi tôm, tuân thủ lịch mùa vụ. Áp dụng phân chia rõ theo từng đối tượng tôm nuôi, phương thức nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) theo từng vùng tùy vào điều kiện thời tiết, môi trường... để thả giống phù hợp. Tùy theo diễn biến thời tiết, thị trường trong năm, Tổng cục Thủy sản cũng thường xuyên có chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người nuôi về quản lý, chăm sóc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng nguyên liệu thủy sản NK cũng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Về lâu dài, muốn đảm bảo cho ngành thủy sản phát triển bền vững cần tiến tới tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu. Liên quan tới vấn đề này, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã định hướng về chế biến XK cần chủ động nguồn nguyên liệu, nhất là các đối tượng chủ lực như cá tra, tôm. Để đạt mục tiêu, trong thời gian qua và những năm tới đây, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh sản xuất nuôi tôm nước lợ, tăng cường liên kết chuỗi từ người nuôi đến DN, khuyến khích nuôi an toàn sinh học, nuôi có chứng nhận, đảm bảo an toàn thực phẩm và bền vững cả về kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng định hướng phát triển mạnh những loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao để phát triển nuôi ở biển xa, ven hải đảo. Thúc đẩy hợp tác công tư giữa nhà nước và tư nhân với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Thực hiện chuyển giao công nghệ nuôi tiên tiến và bao tiêu sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững.

Phương Nguyên