Thương hiệu nhượng quyền: Không đơn giản

Thanh Giang 05/12/2015 13:20

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Viện Nghiên cứu thương mại, tính từ năm 2007 đến nay, Bộ Công thương đã cấp phép cho gần 140 thương nhân và 150 thương hiệu/nhãn hiệu nước ngoài nhượng quyền vào hoạt động tại thị trường Việt Nam. 

Nhiều thương hiệu thức ăn nhanh nhắm đến Việt Nam vì dân số trẻ, thị trường đông.

Các ngành nghề đang dẫn đầu về lĩnh vực nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, đó là nhà hàng, ẩm thực chiếm tỷ trọng 43,7% với 42 thương hiệu về thức ăn nhanh như: bánh, cà phê, đồ uống... Tiếp theo đó là các lĩnh vực gồm thời trang, giáo dục- đào tạo, cửa hàng tiện lợi, và cửa hàng bán lẻ khác. Theo TS Phạm Nguyên Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, phương thức nhượng quyền thương hiệu ngày càng phổ biến và phát triển.

Nói về hoạt động đầu tư và nhượng quyền tại Việt Nam, ông Park Sang Hyup- Giám đốc Thương vụ Hàn Quốc (Kotra) tại TP.HCM cho rằng, thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ chứng kiến sự có mặt của nhiều công ty lớn Hàn Quốc hoạt động nhượng quyền ở lĩnh vực ẩm thực như: Lotteria, CJ Foodville, F&B, Caffe Bene...

Theo đại diện của Jollibee Việt Nam, với bề dày phát triển vững vàng, đây là thời điểm chín mùi để Jollibee thực hiện kế hoạch nhượng quyền. Ông Park Chong Min- đại diện thương hiệu Don Chicken cho hay, thương hiệu của hãng tập trung chủ yếu vào sản phẩm thịt gà và các món ăn liên quan đến thịt. Hiện tại nhãn hiệu đã phát triển được cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện, hãng đang tìm kiếm thêm đối tác để tiếp tục phát triển kinh doanh.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các DN bán lẻ nước ngoài không ngừng mở rộng và phát triển. Đơn cử, đặt chân ở Việt Nam không lâu nhưng Lotte (Hàn Quốc phát triển với 12 công ty liên quan đến hoạt động bánh kẹo, thức ăn nhanh, siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại… 10 năm ở thị trường Việt Nam đến nay Jollibee xây dựng thành công 61 cửa hàng.

Đà phát triển được minh chứng khi tháng 11 vừa qua có khoảng 40 thương hiệu chuyên về giáo dục, ẩm thực, y tế, tài chính, bất động sản…, và các lĩnh vực khác đến Việt Nam tìm kiếm các nhà đầu tư. Trong 40 thương hiệu nước ngoài này có 90% là DN châu Âu, 10% là DN châu Á. Tất cả đều là các DN có tên tuổi và chưa khởi đầu cho việc kinh doanh tại Việt Nam.

Sắp tới đây, khi mà hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực các nhà đầu tư sẽ tăng cường kinh doanh, mở rộng nhượng quyền về nhiều loại hình. Thay vì chỉ chứng kiến đầu tư chuỗi thức ăn nhanh, DN ngoại đang hướng đến các lĩnh vực như giáo dục, vận tải, y tế... do những loại hình mới này còn khá nhiều đất cho DN.

Liên quan đến sự khởi sắc trong lĩnh vực đầu tư nhượng quyền thương hiệu, bà Nguyễn Phi Vân- Chủ tịch HĐQT Retail & Franchise cho rằng, ngoài lĩnh vực ẩm thực thì nhượng quyền thương hiệu về dịch vụ đang được các nhà đầu tư nhắm đến trong thời gian tới. Theo kết quả khảo sát thị trường của Công ty Retail & Franchise, các nhà đầu tư nước ngoài đang xem Việt Nam là thị trường tốt để hướng đến. Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia kinh tế và giới kinh doanh, thị trường bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam chưa thật sự phát triển hay bùng nổ.

Thị trường chỉ mới theo hướng khởi đầu so với các nước trong khu vực. Ví dụ, nếu như MC Donald vào Việt Nam năm 2014 nhưng thương hiệu này đã vào thị trường Malaysia từ năm 1980. Nhìn vào thị trường nhượng quyền thương hiệu không ít ý kiến cho rằng, có lẽ từ năm 2016 trở đi nhượng quyền thương hiệu của Việt Nam mới chính thức xây dựng nền tảng tốt cho hoạt động kinh doanh.

Mặc dù dự báo thị trường nhường quyền thương hiệu phát triển tốt trong thời gian tới, tuy nhiên một số cảnh báo chỉ rõ nhượng quyền thương hiệu không đơn giản. Bằng chứng thấy rõ, năm ngoái Lotteria, KFC… lên tiếng nhượng quyền nhưng đến thời điểm này vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Bên cạnh đó, có nhiều thương hiệu vào Việt Nam đã thất bại trong kế hoạch nhượng quyền sau 3 năm phát triển và đang muốn rút lui. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thị trường chưa sẵn sàng, tài chính không đảm bảo.

Thứ nhất, nhượng quyền thương hiệu có thể dễ thực hiện đối với các nước khi người mua nhượng quyền được ngân hàng hoặc đơn vị bán thương hiệu cho vay 70% giá trị hợp đồng. Còn tại Việt Nam, vấn đề tài chính luôn là điểm khó đầu tiên.

Bất cập thứ hai, người mua nhượng quyền không am hiểu và thiếu kinh nghiệm kinh doanh. “Không có tài chính cộng với thiếu kinh nghiệm điều này vô hình trung mang lại kết quả xấu khi người bán cứ bán, người mua cứ mua. Kết quả, sẽ xảy ra tranh chấp quyền lợi và kiện tụng. Tình trạng này đã xảy ra tại các nước phát triển”- bà Nguyễn Phi Vân nhận định.

Thanh Giang