Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH

Lan Hương 04/12/2015 22:46

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2015 đến nay, hệ thống giao dịch điện tử của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thu hút hơn 82 nghìn đơn vị sử dụng lao động đăng ký tham gia. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ có 90% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH. Đây được xem là khâu đột phá nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, giảm gánh nặng về mặt thủ tục cho doanh nghiệp.

Cải cách TTHC được xem là khâu đột phá trong lĩnh vực BHXH.

Để triển khai hệ thống giao dịch điện tử theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện chỉ tiêu cải cách thủ tục hành chính của ngành để cắt giảm toàn bộ thời gian đi lại, chờ đợi của doanh nghiệp khi thực hiện BHXH, BHYT và BHTN.

Đến nay, một số BHXH tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử hơn 90% như: Trà Vinh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hưng Yên, Quảng Bình, Điện Biên… Đến cuối năm 2015, BHXH tỉnh, thành phố sẽ đạt tối thiểu 90% đơn vị giao dịch điện tử về BHXH; đối với hồ sơ, kết quả không thể qua giao dịch điện tử sẽ giao dịch qua dịch vụ bưu chính…

Cùng với thực hiện giao dịch điện tử, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, có hiệu quả, theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015 được xác định là năm trọng tâm cải cách thủ tục hành chính của ngành, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ rà soát hoạt động chuyên nghiệp để rà soát tổng thể 115 thủ tục hành chính. Kết quả: Về thủ tục hành chính đã giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục; về số lượng hồ sơ: giảm 56%; về chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu: giảm 82%; về quy trình, thao tác thực hiện: giảm 78%.

Bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ, qua đó cắt giảm được thời gian, chi phí của cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT. Bãi bỏ thủ tục xác nhận chữ ký 6 tháng một lần của người hưởng chế độ BHXH hằng tháng qua tài khoản ATM. Với việc bãi bỏ quy định này sẽ có khoảng 200 nghìn người hưởng chế độ không phải đi xác nhận chữ ký. Bên cạnh đó cũng bỏ mẫu đơn đề nghị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp, nhờ đó có khoảng 500 nghìn người hưởng BHYT không phải khai đơn…

“Nếu như trước đây, người dân muốn tham gia thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT thì phải kê khai giấy đăng ký khám chữa bệnh, phải có hồ sơ chứng từ; nhưng nay chỉ cần mang theo chứng từ, hóa đơn mà không cần phải kê khai, không phải làm giấy đề nghị, qua đó tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho cá nhân và xã hội”- Phó tổng giám đốc Nguyễn Đình Khương nói.

Cũng theo cơ quan BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, BHXH Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, thông tin BHXH phải được tiếp cận dễ dàng nhằm cải thiện và phục vụ hệ thống an sinh xã hội toàn dân.

“Sau khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2016 và các quy định về giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, quản lý sổ BHXH được thực hiện, dự kiến giảm thêm 36 giờ, từ 81 giờ xuống còn 45 giờ. BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, giảm được 290 giờ, từ 335 giờ/năm xuống 45 giờ/năm vào năm 2016”- Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đình Khương khẳng định.

Lan Hương