Nghi phạm xả súng tại Mỹ: Có liên hệ với khủng bố?
Một cặp vợ chồng bị tình nghi đã sát hại 14 người tại một buổi tiệc ở bang California hôm 2/12 được cho là sở hữu hàng nghìn băng đạn cùng hàng chục trái bom ống khác; chính quyền Mỹ hôm 4-12 cho hay, trong khi họ đang gấp rút tìm hiểu động cơ và mối liên hệ của cặp đôi này với các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Nghi phạm Farook cùng số vũ khí, đạn dược và bom ống tự chế
mà cảnh sát thu được. (Nguồn: CBS).
Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, cùng vợ, Tashfeen Malik, 27 tuổi, đã bị tiêu diệt trong một cuộc đọ súng với cảnh sát, 5 giờ sau khi xảy ra vụ tàn sát ở trung tâm dịch vụ xã hội Inland, thuộc thành phố San Bernardino, cách Los Angeles khoảng 100 km. Có ít nhất 21 người đã bị thương sau vụ tấn công được cho là đẫm máu nhất trong số các vụ bạo lực do súng ống ở Mỹ kể từ tháng 12-2012 đến nay.
Những người bị chết và bị thương trong sự kiện đẫm máu hôm thứ Tư vừa qua ở Mỹ chiếm đến gần một nửa trong tổng số người có mặt trong phòng tiệc (75 – 80 người), nơi mà cặp vợ chồng nghi phạm xả súng.
Cảnh sát trưởng thành phố San Bernardino, ông Jarrod Burguan, nói trong một cuộc họp báo hôm 4-12 rằng, kết quả cuộc khám xét nhà ở của 2 nghi phạm trên ở Redlands đã thu được nhiều thiết bị USB, một số máy tính và điện thoại di động. Trong khi đó, giới chức ở Washington cho hay, hiện các cơ quan điều tra đang phân tích các thiết bị điện tử tìm thấy trong nhà các nghi phạm để xem liệu những kẻ này có từng truy cập vào các website có tư tưởng cực đoan hay không.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ chính phủ Mỹ, cho hay FBI hiện đang kiểm tra thông tin cho rằng Farook từng liên lạc với một số cá nhân thuộc diện bị điều tra của cơ quan này. Nguồn tin cũng cho hay, có khả năng một hoặc một số người có mối liên hệ với Farook hiện đang lẩn trốn ra nước ngoài.
Tuy nhiên, đến nay giới chức trách Mỹ vẫn khẳng định rằng chưa tìm ra mối liên hệ hoặc liên lạc nào giữa Farook và tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay một nhóm phiến quân nào khác.
Giới chức Mỹ, cũng như phía cảnh sát thành phố Bernardino đều nói rằng, động cơ vụ tấn công đẫm máu trên có khả năng từ tư tưởng cực đoan của kẻ thủ ác, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về động cơ của 2 nghi phạm này.
“Có khả năng vụ tấn công này liên quan tới khủng bố. Nhưng chúng tôi vẫn chưa chắc chắn” - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong một cuộc họp báo - “Cũng có khả năng vụ tấn công có liên quan tới bất đồng cá nhân ở chỗ làm”.
Farook, một công dân Mỹ sinh trưởng ở bang Illinois, là con trai của một gia đình nhập cư từ Pakistan, trong khi Malik - vợ của Farook, và hiện đã có 1 bé gái 6 tháng tuổi với gã - là một công dân Pakistan từng sống ở Ả rập Saudi khi tổ chức đám cưới. Cặp vợ chồng này trở về Mỹ vào tháng 7/2014 sau một chuyến đi đến Pakistan. Farook còn tới thăm Ả rập Saudi trong vòng 9 ngày hồi mùa hè năm 2014.
Được biết Farook chưa từng có tiền án trước đây. Nghi phạm này là một giám định viên làm việc tại phòng sức khỏe môi trường tại San Bernardino, cơ quan tổ chức buổi tiệc nơi xảy ra vụ thảm sát.
Trong cuộc khám xét căn hộ cũng như chiếc SUV đen của hai vợ chồng này hôm 4-12, cảnh sát phát hiện hàng trăm băng đạn và 12 quả bom ống, cùng hàng trăm dụng cụ “có thể được dùng để chế tạo thiết bị nổ hoặc bom ống”. Có 3 thiết bị thô sơ chứa đầy bột màu đen và kết nối với một chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa tại hiện trường vụ xả súng. Tất cả đều ở chế độ mở.
Ngoài ra, cặp đôi còn sở hữu 2 khẩu súng trường và 2 khẩu súng lục. Tất cả đều được mua từ 3 đến 4 năm trước. Số đạn dược trên đủ để Farook và Malik sát hại thêm nhiều người, cảnh sát cho biết.