Tung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội

Hồ Hương (thực hiện) 06/12/2015 08:19

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh từng nói, năm 2015 là năm của doanh nghiệp. Đến thời điểm này, năm kinh tế 2015 cũng đã dần khép lại. Một năm qua, những nỗ lực cũng như đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với nền kinh tế là đáng ghi nhận. Nhưng điểm yếu của doanh nghiệp nội cũng dễ nhận ra là sức cạnh tranh thấp, khả năng hội nhập chưa cao.

Tung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội

Ông Nguyễn Văn Toàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có cuộc trao đổi với phóng viên, nói về những giải pháp “tăng lực” cho doanh nghiệp (DN) nội.

PV: Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, 2015 là một năm “tuyệt vời” với Việt Nam khi hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên điểm yếu của cộng đồng DN Việt được chỉ ra là chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu? Ông bình luận như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Nói thẳng ra là DN Việt chỉ mới chập chững trong hội nhập, chưa tham gia sâu vào chuỗi sản xuất giá trị. Do vậy giá trị tăng thêm mà DN tạo ra chưa nhiều.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khối DN FDI đã đóng góp tới 105,15/148,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trong 11 tháng đầu năm, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể hơn, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng 13,5% so với cùng kỳ thì khu vực DN trong nước lại giảm 2,6%. Trong khi khối FDI xuất siêu 15 tỷ USD, thì DN trong nước lại nhập siêu tới 18,8 tỷ USD. Bởi thế, tính chung 11 tháng qua, Việt Nam vẫn đang nhập siêu 3,8 tỷ USD và dù thấp hơn mục tiêu đề ra là bằng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng có thể thấy rất rõ nguyên nhân dẫn tới nhập siêu là ở khu vực DN trong nước. Khoảng cách quá lớn giữa 2 khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi.

Trở lại với câu chuyện tham gia sâu vào chuỗi sản xuất hàng hóa. DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà cụ thể trường hợp Samsung tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ đang tạo điều kiện đổi chất các ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Đến nay thì câu chuyện này đã có tiến triển gì thêm, liệu DN Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không, thưa ông?

- Samsung Việt Nam phối hợp, hỗ trợ với những DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, đảm bảo được khả năng cung ứng nguyên phụ liệu đúng theo yêu cầu của các DN này. Các DN Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều khi trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của Samsung. Samsung muốn tìm các DN có thể cung cấp dịch vụ cho nhà xưởng sản xuất của họ.

Vậy theo ông, giải pháp nào để giúp DN nội đáp ứng đủ yêu cầu?

- Chính phủ đã đặt nhiều vấn đề hỗ trợ cho DN nội. Nếu nói riêng về công nghiệp phụ trợ thì chính sách cũng đưa ra. Chẳng hạn trong câu chuyện Samsung, phía Hiệp hội đã giới thiệu khoảng 100 DN để kết nối. Nhưng mình kiếm được 10% trong con số 100 DN này để hợp tác làm ăn với Samsung đã là khó. Nếu như tìm kiếm được DN sản xuất được sản phẩm yêu cầu chất lượng cao theo đúng yêu cầu Samsung còn khó nữa. Chứ đơn thuần, doanh nghiệp nội mới chỉ sản xuất được bao bì, hay hộp nhựa cho Samsung thì việc tham gia chuỗi sản xuất cũng chưa sâu. Chúng ta biết rằng, trong điện thoại có linh kiện. Giờ lấy ví dụ là 1 cái điện thoại của Samsung, DN Việt Nam chưa tham gia được gì trong việc sản xuất cái điện thoại đó cả.

Vì vậy trở lại bài toán tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa giá trị cao, bắt buộc DN phải đầu tư, phải mua công nghệ, phải có vốn. Đấy là bài toán khó cho DN nội khi vốn thấp, quy mô nhỏ?

- Chúng tôi có ý tưởng hình thành nhiều quỹ hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ, các quỹ đó cần tận dụng để sản xuất công nghiệp. Muốn Việt Nam thành xưởng sản xuất thế giới như ý tưởng của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thì chúng ta phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Ví dụ như phát triển phụ trợ cho ngành công nghiệp ôtô khó nhưng xe máy thì tại sao không làm được. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành xe máy cao. Hay như trong câu chuyện Samsung - nó là điện thoại mang thương hiệu nước ngoài nhưng mình cần có lộ trình thực sự để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chiếc điện thoại quốc tế.

Nhiều DN sản xuất nội địa cũng đang than, rằng sản xuất ra nhưng rất khó xuất khẩu?

- Theo tôi câu chuyện DN nội vẫn lép vé trong chuyện cung ứng hàng hóa, chậm chân trong việc tham gia chuỗi giá thực ra là nằm ở vấn đề thương hiệu Việt Nam. Ví dụ như tôi đi lên tận Suối Giàng để mua chè nhưng không biết đó là chè Suối Giàng thật hay không, rồi lên Văn Chấn mua gạo cũng có người bảo gạo Văn Chấn ít, trộn với gạo vùng nọ vùng kia là nhiều. Trong khi đó, tại Hà Nội, tập đoàn Vingroup mở đầu khá suôn sẻ với cách làm rau sạch, rau an toàn.

Trước khi nói chuyện tại sao DN FDI đầu tư vào nông nghiệp ít dần, thử đặt ngược câu hỏi, tại sao Vingroup lại suôn sẻ. Đầu tiên là do Vingroup là tập đoàn lớn, những gì Vingroup làm mình thấy, họ không vì cái nhỏ mà làm mất uy tín của mình, có lộ trình sản xuất. Người tiêu dùng Việt Nam có cái khổ là mất niềm tin. Chẳng hạn cửa hàng rau sạch thì chỉ tin 50%, mua ở siêu thị cũng chỉ tin 50%. Khi có thương hiệu rồi hãy tính xuất khẩu. Chứ làm sao mà người tiêu dùng trong nước chưa tin mà đã lại muốn xuất khẩu. Chúng ta phải hỏi là ngay những mặt hàng thiết yếu, cùng 1 sản phẩm, tại sao các DN FDI họ làm được thương hiệu để xuất khẩu trong khi mình không làm được.

Khi DN FDI đang giữ vị trí áp đảo trong sản xuất hàng xuất khẩu, dòng vốn FDI đang đổ mạnh hơn vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, xu hướng khép kín đang lộ rõ trong nội bộ khu vực FDI, thì nếu chậm chân, DN Việt Nam lại rơi sâu vào tình trạng chờ đến lượt để được làm gia công?

- Cho nên tôi mới nhấn mạnh, DN nội phải làm thương hiệu trước đã, gây dựng được niềm tin cho chính người tiêu dùng trong nước đã rồi tính chuyện xuất khẩu. Phải có thương hiệu, có uy tín thì mới thoát được bóng gia công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương (thực hiện)