Mất mùa phim Tết?
Không khi đón lễ Giáng sinh và Tết dương lịch đang hiện diện ở khắp nơi. Vào cữ này những năm trước, hàng loạt dự án phim Tết chiếu rạp đã được rục rịch ra mắt. Nhưng năm nay, không khí có vẻ trầm lắng, với rất ít phim ra rạp. Phải chăng phim Tết năm nay mất mùa?
Poster phim 'Lộc Phát' , Nghệ sĩ Hoài Linh trong phim Tết 'Tía tui là cao thủ'.
Phim Tết được coi là “đặc sản” của thị trường phim Việt Nam, chỉ mới rộ lên trong dăm năm gần đây. Tuy vậy, nhiều nhà sản xuất đã thắng đậm với những dự án phim chiếu Tết mang tính giải trí, “vui là chính”. Mùa phim Tết vẫn được coi là “vụ gặt màu mỡ” của các nhà đầu tư, bởi dịp này, sau một năm tất bật, người dân thích xem những phim vui vẻ, nhẹ nhàng.
Đặc biệt là các bạn trẻ- đối tượng rất tiềm năng, cuối năm cũng là dịp… xem phim. Mùa phim Tết là “mùa thu hoạch” của các nhà đầu tư, vì vậy, doanh thu vẫn là mục tiêu số 1. Bởi vậy, việc kỳ vọng những bộ phim này sẽ trở thành “bom tấn” về mặt nghệ thuật là điều bất khả.
Còn nhớ mùa phim Tết năm 2014 có 8 phim được tung ra rạp chào Tết Giáp Ngọ: “Tèo em”, “Cô dâu đại chiến” phần 2, “Năm sau con lại về”. “Cưới chạy”, “Hai Lúa”, “Cổ tích thời @” và “Chôn nhời”.
Thậm chí có nhà sản xuất còn đầu tư làm bộ phim 3D ra rạp trong dịp Tết 2014 là “Cuộc chiến với chằn tinh” khiến nhiều khán giả tò mò bởi lần đầu công nghệ làm phim mới mẻ này du nhập vào Việt Nam. Hoặc như mùa phim Tết năm ngoái cũng xuất hiện nhiều bộ phim được chăm chút đầu tư lớn như “Trúng số”, “Ngày nảy ngày nay”, “Siêu nhân X” …
Tuy nhiên, năm nay, đến thời điểm này, mới chỉ thấy lèo tèo vài ba dự án được công bố sẽ ra rạp vào dịp Tết sắp tới. Đó là “Lộc phát” (đạo diễn Lê Bảo Trung), “Tía tui là cao thủ” (đạo diễn Trần Ngọc Giàu). Cả 2 phim này cũng đều “có sao và có hài” nhằm kéo khán giả đến rạp. Nếu “Tía tôi là cao thủ” có sự góp mặt của “ngôi sao phim Tết” một thời là Hoài Linh và Việt Hương thì “Lộc phát” có sự tham gia của dàn “sao”: Bình Minh, Đinh Ngọc Diệp, Hiếu Hiền, Nguyễn Phi Hùng…
Theo đạo diễn Lê Bảo Trung, phim “Lộc phát” với thể loại hài - hành động, là câu chuyện về cuộc đua bất đắc dĩ của chàng trai tên Lộc và gã sát thủ tên Cát. Trên hành trình “bão táp” đó, Lộc đã có cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn với những con người đặc biệt có tính cách vô cùng “khó đỡ”. Đạo diễn cũng tiết lộ, bên cạnh mang lại tiếng cười cho khán giả, phim còn xen kẽ những pha hành động gay cấn ngay từ những phút đầu tiên.
Trong khi đó, đạo diễn Trần Ngọc Giàu dùng bộ đôi “át chủ bài” là nghệ sĩ Hoài Linh và Việt Hương để hút khán giả. Tuy vậy, nếu đã từng xem các phim Tết trước đó của ê-kíp này, như “Năm sau con lại về”, “Quý tử bất đắc dĩ” thì khán giả dễ đoán được “gu” phim là hài nhảm với những màn tấu hài “tràng giang đại hải”…
Đáng chú ý hơn cả trong mùa phim Tết Bính Thân 2016 có lẽ là phim “Siêu trộm”, dự kiến ra rạp ngày 29/1/2016. Đây là bộ phim đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn Việt kiều Hàm Trần gia nhập mùa phim Tết. “Siêu trộm” được quảng bá là “siêu phẩm phim hành động Việt” với nhiều kỹ xảo đẹp khiến người xem như đang theo dõi một bộ phim “bom tấn” của Hollywood. Phim bước đầu có gây thêm chút tò mò vì là tác phẩm điện ảnh đầu tiên khai thác đề tài “hacker” (tin tặc) cùng mô-típ “dùng tội phạm để bắt tội phạm”.
Đây là đề tài vốn chưa được khai thác nhiều trên màn ảnh rộng nhưng lại khá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Ngoài những gương mặt quen thuộc Nhung Kate, Petey Nguyễn, bé Thanh Mỹ, Mai Thế Hiệp, bộ phim còn gây tò mò với 2 khách mời đặc biệt là “đả nữ” Ngô Thanh Vân và nam diễn viên điển trai Hàn Quốc Teo Yoo (được biết đến qua phim Seoul Searching năm 2014).
Theo dõi trong thời gian qua, có thể nhận thấy một số dự án đã “trượt lịch” ra rạp mùa Tết 2016. Ví như phim “Tấm Cám” (Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất kiêm đạo diễn) và “Tèo Em 2” (do Charlie Nguyễn đạo diễn). Tuy nhiên, cả 2 nhà sản xuất của hai bộ phim này đều chính thức thông báo dời ngày phát hành sang mùa hè 2016 vì… không kịp tiến độ. Sự thiếu vắng của những phim này, theo nhiều chuyên gia, đã khiến cuộc đua phim dịp Tết Bính Thân 2016 kém sôi động hẳn.
Với vài ba phim đã công bố lịch chiếu rạp trong dịp Tết sắp tới thì khó tạo ra một mùa xôm tụ, theo giới chuyên môn. Phim Tết “mất mùa” bởi nhiều lý do, không loại trừ lý do kinh tế. Một số nhà sản xuất đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác, vì nhận thấy thị phần ở mùa phim Tết không còn “béo bở” như những năm trước.
Bằng chứng là mùa phim Tết 2015 doanh thu phòng vé nói chung của các bộ phim đều không như kỳ vọng. Do vậy họ cũng không đặt hàng các đạo diễn ngôi sao, không ký độc quyền với những diễn viên ăn khách. Khi không có kịch bản mới, xuất sắc mà vẫn loanh quanh với “hài nhảm” thì khán giả dù có rảnh rỗi và dễ tính đến mấy cũng thấy nhàm.
Thêm vào đó, những bộ phim “bom tấn” của thế giới thực sự là những siêu phẩm điện ảnh (chứ không nửa điện ảnh nửa truyền hình như phim Tết của Việt Nam) cũng ra mắt và lập tức “rút hầu bao” của khán giả Việt. Điều đó, đặt ra cho nhà sản xuất và đạo diễn Việt Nam nếu muốn tiếp tục gặt hái ở mùa phim Tết thì cần có chiến lược mới để giữ chân khán giả Việt ngay trên “sân nhà”.