Giảm nghèo bền vững: Trao quyền để người dân chủ động hơn

Minh Quang 06/12/2015 09:10

Đẩy mạnh trao quyền cho người dân để đạt đích giảm nghèo bền vững vừa là chủ trương, vừa là phương thức mà Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo đang hướng tới. Theo giới chuyên gia, từ những yêu cầu thực tiễn và bài học kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng, hơn lúc nào hết, yêu cầu phát huy nội lực của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững nên được coi là cách tiếp cận hợp lý trong giai đoạn mới.

Giảm nghèo bền vững: Trao quyền để người dân chủ động hơn

Cần khích lệ để người dân chủ động và sáng tạo thoát nghèo.

Tiềm ẩn sức mạnh nội lực

Theo TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNN, để vượt qua khó khăn từ phía Nhà nước và phía người dân tại các nước đang phát triển, thông thường các nhà tài trợ và các tổ chức phát triển quốc tế thường áp dụng chiến lược hỗ trợ nhằm bù đắp cho nông dân và người nghèo những tài nguyên họ thiếu (đất đai canh tác, hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới, hỗ trợ vốn, cung cấp tiến bộ kỹ thuật, giúp xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu…).

Thực tế này cũng được áp dụng ở Việt Nam trong thời gian qua và ít nhiều giúp người dân thoát nghèo. Nhưng mặt khác lại làm gia tăng thêm sự bị động của đối tượng thụ hưởng. Người dân vùng nghèo trở nên ỷ lại vào trợ cấp, cán bộ cơ sở chờ đợi sự hướng dẫn của cấp trên…

Trong khi đó, theo một cách tiếp cận khác, bản thân người dân nông- kể cả vùng khó khăn và vùng nghèo- vẫn có sẵn trong mình những nguồn nội lực và tiềm năng chưa được phát huy. Đặc biệt hơn là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự gắn bó và phối hợp sáng tạo ngay trong cộng đồng người dân- đây chính là sức mạnh căn bản đã giúp họ tồn tại trong suốt quá trình lịch sử - nhưng đến nay chưa được nhìn nhận và khai thác hợp lý để phát huy trong cơ chế thị trường.

Vì lẽ đó, TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Theo quan điểm phát triển mới, song song với việc tiếp thêm các nguồn tài trợ mới cho cư dân nông thôn và người nghèo, thì điều quan trọng là khơi dậy tinh thần chủ động và sáng tạo cộng đồng nơi họ sinh sống, từ đó kích hoạt lên các nguồn nội lực hiện có, phát huy một các hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Vẫn theo TS Nguyễn Kim Sơn, hiện bản thân người nông dân chưa đóng vai trò chủ thể trong quá trình phát triển NTM, vẫn là chỉ đạo từ trên là chính. Vì vậy, trong thiết kế chính sách thời gian tới, ý kiến của người dân là vô cùng quan trọng. Chỉ khi người dân được tham gia về lập kế hoạch, tham gia về tài chính, đặc biệt các chương trình về phát triển nông thôn mới phải có sự tham gia của cộng đồng mới xử lý được vấn đề nghèo một cách gốc rễ.

Bỏ tư duy hỗ trợ “xâu cá”…

Dẫu vậy, qua thực tế thực hiện công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam suốt nhiều năm qua, việc thực phân cấp trao quyền cho cơ sở và khích lệ sự chủ động sáng tạo của cộng đồng (theo tinh thần Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2012- 2015) vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Âu cũng bởi lâu nay chúng ta vẫn áp dụng chuẩn nghèo theo cách hiểu đơn chiều- đó là sự nghèo đói về tiền bạc.

Chính vì thế, sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp... vẫn nghiêng về việc cho người nghèo “xâu cá” để họ nhanh chóng thoát nghèo, chứ không phải cho cần câu và dạy người ta biết cách câu để giúp họ thoát nghèo bền vững. Theo ông Ngô Trường Thi- Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo: Hiện nay, “rốn nghèo” vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tôc thiểu số. Tỉ lệ hộ thoát nghèo đứng trước nguy cơ tái nghèo vẫn còn quá cao.

Vì thế, việc áp dụng chuẩn nghèo mới theo hướng tiếp cận đa chiều- có thể hiểu như đảm bảo quyền con người, quyền được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ (bắt đầu từ 1/1/2016) tới đây, đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Cụ thể là người nghèo.

Và trong khi nhiều địa phương còn loay hoay với những mô hình giảm nghèo cũng như cách làm cho phù hợp, có thể xem kinh nghiệm của TP HCM là một ví dụ điển hình. Đó là việc thành lập tổ tự quản giảm nghèo (TTQ-GN), cách làm mới để tập hợp các hộ nghèo, cận nghèo trên cơ sở tự nguyện và tự chủ trong hoạt động nhằm phát huy vai trò của cộng đồng, tinh thần tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo của chính bản thân đối tượng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tìm hiểu về hoạt động của TTQ-GN tại Quận 5, chúng tôi được biết, các thành viên làm việc theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt hoàn cảnh và đề xuất chăm lo giúp đỡ cụ thể cho các hộ khó khăn. Bên cạnh đó, các Tổ tự quản còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt cộng đồng để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn cùng nhau vượt nghèo, từ đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm giúp đỡ lẫn nhau. Tính đến nay, toàn TP có 3535 TTQ-GN (với 102.021 thành viên). Trong đó số tổ hoạt động hiệu quả đạt 81,47%.

Sự thành công của hình thức TTQ-GN của TP HCM là do có sự cam kết cao của cấp ủy Đảng, Chính quyền; sự tập trung và chủ động đủ nguồn lực; thực sự trao quyền cho cộng đồng tự quyết định với sự trợ giúp của Chính quyền; phát huy vai trò tích cực của các đối tác xã hội; tăng cường năng lực của cộng đồng, của TTQ-GN và thành viên nòng cốt lãnh đạo tổ.

Theo ông Ngô Trường Thi, mô hình, cách làm mới này có thể nhân rộng sang các địa phương khác. Tuy nhiên phải rất linh hoạt về mục tiêu, nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp; làm từng bước vững chắc, bắt đầu từ thi điểm, dễ trước, khó sau.

Đồng quan điểm này, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bài học thành công từ mô hình TTQ-GN ở TP HCM cần sớm nhân rộng và và khuyến nghị bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có những định hướng rõ ràng như: Hướng vào các vùng khó khăn, vùng nghèo; chuyển từ Nhà nước chỉ đạo- nhân dân thi hành, sang nhân dân làm chủ- Nhà nước hỗ trợ; bắt đầu từ mô hình tốt và một yêu cầu quan trọng là phát triển đội ngũ cán bộ từ thôn bản.

Tuy nhiên, chỉ khi nào người dân thực sự là chủ thể, họ được khích lệ tính chủ động, sáng tạo; cùng với đó tiếng nói của họ thực sự được coi trọng thì công cuộc xây dựng NTM cũng như giảm nghèo mới thực sự bền vững.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Nhiều người đã nghe và biết đến Saemaul Undong- phong trào xây dựng và phát triển Làng mới ở Hàn Quốc những năm 1970, do Tổng thống Park Chung Hee khởi xướng.

Nếu xét từ góc độ giảm nghèo thì phong trào này có rất nhiều điểm tương đồng với công cuộc xây dựng NTM và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay. Với phương châm “huy động nội lực của nông dân, phát triển các cộng đồng nông dân tại mọi làng xã, phát huy tinh thần làm chủ, ý chí sáng tạo, tự tin của người dân”, cùng nguồn hỗ trợ vật chất (xi măng, sắt thép), phong trào Saemaul Undong được triển khai thành công, đóng góp tích cực vào công tác hiện đại hóa nông thôn.

Sau 30 năm thực hiện, phong trào Saemaul Undong đã “mang cả nước đến với nông dân”, hỗ trợ để nông dân tự quyết định và tổ chức cuộc sống của mình. Kết quả lớn nhất là những người nông dân đói nghèo trở nên tự tin, nông thôn trở thành xã hội năng động, có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư, và nhờ đó mà có khả năng tự phát triển.

Về bản chất thì phong trào Làng mới chính là việc phát huy vai trò tự quản của địa phương. Trong số rất nhiều giải pháp làm nên thành công ấy, bài học kinh nghiệm được rút ra là để người dân làm chủ quá trình phát triển nông thôn, cuộc sống của mình.

Liên hệ với công cuộc xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững mà chúng ta đang tiến hành, TS Đặng Kim Sơn cho rằng: Việt Nam hiện nay thậm chí có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn Hàn Quốc tại thời điểm xây dựng làng mới, phát triển nông thôn. Cụ thể là từ năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA đã tiến hành thử nghiệm một số mô hình phát triển nông thôn theo mô hình Làng mới Saemaul Undong tại Việt Nam và đạt được một số kết quả.

Tại tỉnh Quảng Trị, địa bàn được chọn là xã Vĩnh Mốc, huyện Vĩnh Linh. Đây là địa bàn từng diễn ra chiến tranh ác liệt, và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sinh kế cho người dân sau hòa bình. Vì vậy, quan hệ cộng đồng của người dân và ý thức trách nhiệm của cấp lãnh đạo với người dân khá tốt. Khi được tiếp nhận hỗ trợ của dự án, tinh thần tự chủ - đoàn kết - sáng tạo của phong trào Saemaul Undong đã được truyền tải tương đối tốt cho cộng đồng.

Nhìn chung, chương trình Làng mới tại Vĩnh Mốc đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và đời sống của người dân. Hiện nay, KOICA tiếp tục hỗ trợ 2 chương trình Hạnh Phúc ở Lào Cai và Quảng Trị với quy mô lớn hơn. Một triển vọng mới đang mở ra cho hoạt động phát triển nông thôn, xóa nghèo và hỗ trợ đồng bào DTTS, theo định hướng “lấy dân làm gốc, lấy cộng đồng làm chủ thể”.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong đó danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 bao gồm: Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Với những đích phấn đấu cụ thể: Đến năm 2020 phấn đấu 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; Giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Minh Quang