Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du: Kết nối mạch nguồn thi ca
Sinh thời Nguyễn Du thường băn khoăn tự hỏi: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, thiên hạ ai khóc Tố Như chăng?”. Vậy nhưng, 250 năm đã đi qua, mạch nguồn thi ca trác tuyệt của Đại thi hào Nguyễn Du vẫn còn nguyên vẹn những giá trị nhân văn cao cả, thấm sâu vào lòng mỗi người dân nước Việt.
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia
Tối ngày 5/12, tại Hà Tĩnh, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765- 2015). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nhiều quan chức cấp cao; đại diện tổ chức UNESCO cùng hàng nghìn người dân đã về dự buổi lễ trong không khí trang nghiêm giữa ngày đông giá rét.
Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, quê (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) – một vùng địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất, đỗ đạt đại khoa, danh nhân văn hóa xuất chúng của đất nước. Cậu bé Nguyễn Du sinh ra trong lầu son gác tía, lớn lên trong khung cảnh thơ mộng ở vùng đất Kinh Bắc... Nhưng rồi, tai họa dồn dập ập xuống cuộc đời Nguyễn Du để rồi sau "mười năm gió bụi", Nguyễn Du mới có dịp về cố hương (Tiên Điền).
Những gian truân, chìm nổi trong cuộc đời đã dệt nên hồn thơ lãng tử, sản sinh ra nhiều tác phẩm kiệt xuất làm rạng danh cả dân tộc như: Thanh hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, kiệt tác Truyện Kiều…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng nhận định: “Các tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du cần được gìn giữ và chia sẻ thông qua những nỗ lực không ngừng để nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy và quảng bá làm cho các thế hệ biết đến và học hỏi. 250 năm trôi qua, ông vẫn và mãi là nguồn cảm hứng bất tận làm lay động trái tim của mỗi chúng ta”.
Nỗ lực trao truyền
Chương trình nghệ thuật "Tiếng thơ ai động đất trời" diễn ra vào tối 5/12 là sự kiện khép lại chuỗi hoạt động trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du. Hàng nghìn người dân Hà Tĩnh đã bất chấp mưa, lạnh đổ về khán đài để theo dõi đại lễ. Thông qua những lời ca, tiếng hát, hoạt cảnh, chương trình nghệ thuật đã tái hiện một Nguyễn Du tài hoa, nhân hậu, một thi nhân vĩ đại. Đêm kỷ niệm mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và lắng đọng trong lòng mỗi người dân.
Những thăng hoa của nghệ thuật mang tính dân gian cùng với tấm lòng tri ân sâu sắc đối với nhà thơ lớn đã làm dấy lên “làn sóng mới” trong công cuộc xây dựng đất nước ở vùng đất “nắng lửa mưa chan” - Hà Tĩnh.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khu lưu niệm rồi đây sẽ trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch của quốc gia, nơi lưu giữ các giá trị thi ca của Đông các đại học sĩ Nguyễn Du và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Cũng tại buổi lễ, ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện mãi mãi gìn giữ, phát huy các di sản quý báu của Đại thi hào để lại cho hậu thế.
Một số hình ảnh tại buổi biểu diễn nghệ thuật: