Liên kết doanh nghiệp

Hoài Vũ (thực hiện) 07/12/2015 10:51

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, song cộng đồng này “đang cô đơn và yếu ớt”, trong khi thời điểm có hiệu lực của nhiều hiệp định thương mại đã và đang đến gần. Làm sao để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ mạnh để đương đầu khi ra biển lớn? Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Các doanh nghiệp cần liên kết tạo thành sức mạnh để không bị cô đơn, bị ép giá. Như vậy mới đứng vững trên sân nhà cũng như thị trường thế giới. &n

Liên kết doanh nghiệp

Ông Đỗ Văn Vẻ.

PV:Theo ông, khi vào TPP bên cạnh những mặt thuận lợi, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?

Ông Đỗ Văn Vẻ: Hiện chúng ta đã thực hiện một loạt các hiệp định ký kết với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu EU..., sắp tới là ký kết hiệp định TPP dự kiến diễn ra vào quý I-2016. Trong vòng 2 năm TPP sẽ có hiệu lực, với sự tham gia của 12 quốc gia chiếm 40% GDP của toàn thế giới; 30% thương mại toàn cầu. Đây là một hiệp định lớn khi chúng ta hội nhập vào một sân chơi chung. Thuận lợi có nhiều nhưng khó khăn không phải là ít. Phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, bởi các thương hiệu, doanh nghiệp lớn có uy tín lâu năm trên thị trường quốc tế. Họ sẽ cạnh tranh với ta trên các thị trường, hàng Việt Nam vào các nước cũng như hàng các nước vào nước ta với một chính sách giống nhau thì đó là một thách thức lớn.

Thứ hai, các doanh nghiệp của ta chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho nên khi vươn ra biển lớn thì việc cạnh tranh khó khăn vì cộng đồng doanh nghiệp này mô hình quản trị, quản lý, thiết bị, thương hiệu, khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Thứ ba là điều kiện vốn của các doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm đạt chất lượng quốc tế nên khi vào sân chơi chung phải chấp nhận chất lượng cũng như giá thành sản phẩm. Thứ tư khả năng quản lý, điều kiện hoạt động của các nhà quản trị, quản lý cũng có hạn chế khi chưa có nhiều năm tham gia vào hội nhập quốc tế nhưng khi hội nhập đòi hỏi tốc độ nhanh thì mới theo kịp được.

Nhưng đáng lo nhất là một số sản phẩm chưa có nhiều lợi thế cạnh tranh, ví dụ như nông sản, nông nghiệp, năng suất lao động còn thấp, chất lượng còn hạn chế chủ yếu là xuất thô, chưa có nhiều nhà máy chế biến trong nông nghiệp. Ngay trong sân nhà đã khó khăn rồi, phải nhập các sản phẩm mỗi năm mất mấy tỷ đôla như đậu tương, ngô để phục vụ cho chăn nuôi, trong khi các nước sản phẩm nông nghiệp của họ rất mạnh, năng suất lao động cao, chất lượng tốt, giá thành thấp. Cho nên nông nghiệp của ta sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Ngoài ra là sản xuất của ta có quy mô nhỏ, thiết bị chưa đạt tiên tiến hiện đại, tự động hóa, khoa học kỹ thuật chưa mạnh. Đòi hỏi nhanh chóng cải tiến đầu tư thì mới có sản phẩm tốt để cạnh tranh với nước ngoài.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế nhưng rất mong manh yếu ớt, lại chưa được tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại, trong khi Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII xác định khoa học công nghệ phải đóng vai trò then chốt?

- Các doanh nghiệp phải có ý thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cần có quỹ đầu tư khoa học công nghệ thì mới có khả năng đầu tư, liên kết các doanh nghiệp với nhau thành chuỗi thì mới có thể cạnh tranh. Phải dành nhiều trí tuệ và nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất. Mô hình liên kết các nhà: Nhà nước- nhà nông- nhà doanh nghiệp- nhà băng để phát triển sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp.

Về phía vĩ mô cần hậu thuẫn từ Nhà nước, như cơ chế chính sách phù hợp, sửa các luật phù hợp với tình hình thực tế hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ chế chính sách có tác động mạnh cho sự phát triển, tạo cơ hội để phát triển, hỗ trợ nguồn vốn tài chính cho nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ phát triển. Đồng thời cần môi trường đầu tư thông thoáng để khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vốn, trí tuệ cho nông nghiệp thì nông nghiệp mới phát triển. Có cơ chế thông thoáng thì họ mới mạnh dạn đầu tư, đầu tư có hiệu quả, đầu tư vào công nghiệp chế biến trong nông nghiệp, biến thô thành tinh thì sản phẩm với có chất lượng với giá thành cao.

Tôi xin nhấn mạnh rằng nông nghiệp là mảng chúng ta có rất nhiều lợi thế từ khí hậu, đất đai, tài nguyên nước; vì thế nên đẩy mạnh nông nghiệp theo hình thức hiện đại hóa. Ví dụ, lĩnh vực này chúng ta có lợi thế hơn nhiều so với Nhật Bản, hay Israel. Họ phải khoan sâu tới hơn 1000m mới có nước phục vụ nông nghiệp. Đất đai kém màu mỡ nhưng họ vẫn đứng đầu thế giới về nông nghiệp. Ta có nhiều lợi thế như vậy không lẽ gì nông nghiệp của ta không phát triển, cho nên đầu tư cho nông nghiệp cần chính sách phù hợp mới thu hút được nhà đầu tư.

Nếu như doanh nghiệp nhà nước được tạo mọi điều kiện cũng như nguồn lực thì doanh nghiệp tư nhân của ta “đang cô đơn” trong khi cần phải có một sức mạnh để đương đầu khi hội nhập. Ông có nghĩ rằng cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau?

- Đây là nhược điểm lớn của ta vì ta chủ yếu phát triển theo kiểu tự phát, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Làm như vậy chỉ lợi trước mắt cho doanh nghiệp nhưng về lâu dài thì khó tồn tại khi hội nhập. Vì đơn lẻ thì chỉ làm được các đơn hàng nhỏ bé, không có sức cạnh tranh, không đầu tư được nhiều máy móc hiện đại vì vốn phải dàn trải cho nhiều khâu. Nên cần liên kết để thành chuỗi sản xuất người chế biến, người đóng gói, người vận tải, người xuất khẩu thì mới có khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng được thị trường lớn khi có nhu cầu. Ví dụ cần hàng triệu tấn lương thực, hay hàng ngàn container thì doanh nghiệp nhỏ sao đáp ứng được. Cho nên cần liên kết tạo thành sức mạnh không bị cô đơn, bị ép giá. Cạnh tranh với toàn cầu thì cần thị trường và thương hiệu uy tín, tài chính. Đây là tầm nhìn chiến lược như vậy mới đứng vững trên sân nhà cũng như thị trường thế giới.

Thuế được xem là một biện pháp điều chỉnh của Nhà nước ngoài việc thu ngân sách nhưng cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhất là thời điểm hội nhập. Ông nghĩ sao về việc vừa qua Quốc hội đã thảo luận sửa đổi 2 luật về thuế, song cuối cùng lại rút ra?

- Bộ Tài chính có trình và Quốc hội có thảo luận thấy sửa đổi là cần thiết, phù hợp với lộ trình khi gia nhập WTO và TPP khi thực hiện chung với các nước trong xuất nhập khẩu và kê khai hàng hóa. Đã theo cam kết thì phải thực hiện. Sở dĩ chúng ta chưa thông qua lần này vì còn nhiều ý kiến cần sửa đổi phù hợp với thực tế tình hình vì doanh nghiệp đang vấp phải nhiều khó khăn, mới đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản. Giờ đặt thuế tiêu thụ đặc biệt tăng ngay thì họ không chịu được. Nếu không tăng thì ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước mà tăng ngay thì doanh nghiệp khó trụ. Tăng giảm thuế phải theo lộ trình và tình hình thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi thông qua, còn nhiều ý kiến cho rằng chuẩn bị chưa kỹ cần có thời gian, nên chậm lại thông qua vào kỳ sau để có sự chuẩn bị kỹ hơn để khi Quốc hội thông qua làm sao vừa tăng thu ngân sách nhưng cũng cần tạo động lực phát triển phù hợp với hội nhập. Quốc hội chưa thông qua trong lần này là để chuẩn bị kỹ hơn. Chúng ta chưa đến hạn theo cam kết đối với một số dự luật về thuế nên vẫn còn thời gian. Việc tạm dừng để có thêm thời gian bàn kỹ hơn cũng là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)