Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả: Nóng trên cả 3 tuyến
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm “nóng” trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, tập trung chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh....
Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng mỹ phẩm.
Các đối tượng lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp ranh, tìm thời cơ vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, qua sông biên giới, tập kết hàng hóa vào nhà dân, chợ biên giới. Vào đợt cao điểm, các đối tượng xé lẻ hàng hóa, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác để vận chuyển, cất giấu trong hành lý, cất giấu trong các hầm, sàn bí mật được gia cố trên xe tải, xe khách. Tại các tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, các đối tượng trà trộn trong các lô hàng nhập khẩu thông thường, cất giấu trong hành lý, bưu phẩm, bưu kiện,... không khai báo, khai sai số lượng, chất lượng, phẩm cấp, xuất xứ.
Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện có quy mô, trị giá hàng hóa vi phạm lớn. Trong tháng 9/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu đã kiểm tra 2 container của Công ty TNHH đầu tư sản xuất xuất nhập khẩu Mỹ, phát hiện hàng hóa vi phạm gồm 7.978 lọ và 395 túi thực phẩm chức năng. 16.654 lọ và 4434 tuýp mỹ phẩm các loại, bánh kẹo, nồi niêu xong chảo... Trị giá hàng hóa ước tính ban đầu khoảng 4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, qua công tác kiểm tra cho thấy, sai phạm chủ yếu đối với mặt hàng thực phẩm chức năng là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh. Chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép, mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng. Đối với mặt hàng mỹ phẩm, thủ đoạn vi phạm hiện nay trực tiếp sản xuất, pha chế, sang chiết, đóng gói hàng giả. Tinh vi hơn, một số chủ đầu nậu đặt hàng bên Trung Quốc đưa về Việt Nam với nhiều nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ..
Có thể kể đến vụ ngày 14/10/2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần Quốc tế Masscon, phát hiện, hàng hoá giả mạo xuất xứ Thái Lan, tạm giữ 1976 thành phẩm là nước giặt, nước rửa bát, 1390 vỏ chai nhựa chưa dán nhãn, 1665 kg nhãn giấy và hộp catong, chất tạo hương thơm 50kg...
Riêng với mặt hàng dược phẩm, kiểm tra cho thấy vi phạm chủ yếu vẫn là vấn đề giá. Tình trạng xách tay các loại thuốc quý hiếm, mua bán thuốc tân dược không có hoá đơn tại các chợ trung tâm và ngay cả trong các quầy thuốc của Bệnh viện vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên một số vụ phát hiện cho thấy hoạt động vi phạm kinh doanh dược phẩm rất tinh vi và có tổ chức.
Ví dụ như vụ việc kiểm tra trên toa tầu từ Trung Quốc về do Công an phối hợp với Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện trên 100 hộp thuốc kháng sinh Zinar, giả mạo từ vỏ đến ruột thuốc cùng loại do Công ty Dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu, khi giám định không có hoạt chất chính, cho thấy thuốc nhập lậu được đặt hàng từ Trung Quốc thẩm lậu vào Việt Nam”, ông Cẩn cho biết thêm.
Cuộc chiến với mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng rõ ràng ngày một cam go. Ở đây, “lỗi” một phần do chính hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng còn rất hổng, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng. Đó là chưa kể các chính sách ưu đãi đối với hàng hóa cư dân biên giới, khu kinh tế cửa khẩu còn nhiều sơ hở, bất cập, khiến tình hình càng nhức nhối.
Trước thực tế tình hình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các tư lệnh ngành trên hết phải xác định tầm quan trọng của “nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ảnh đến cuộc sống nhân dân và nguy hại đến nền kinh tế.
“Không có vùng cấm trong chống buôn lậu”, nhưng những vùng cấm trong chính chúng ta sẽ tác hại về lâu dài đối với nền kinh tế, xã hội của đất nước. Chính sách, luật là cần thiết, nhưng trách nhiệm với người dân, đòi hỏi không thể bàng quang. Gắn trách nhiệm sẽ tăng sức chiến đấu, trong một cuộc chiến không thể khoan nhượng, nhất là khi tình hình buôn lậu ngày một gia tăng, tinh vi, và lợi ích nhóm.