Tác động mới từ đồng nhân dân tệ
Nhân dân tệ vừa được Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công nhận là một trong 5 đồng tiền dự trữ chính thức và có quyền rút vốn đặc biệt như Đô la Mỹ (USD), Đồng tiền chung châu Âu (EUR), Bảng Anh (GBP) và Yên Nhật (JPY). Liệu sự lên đời mới đồng NDT sẽ tác động như thế nào tới dòng vốn, nhập siêu hay tỷ giá cuối năm ở Việt Nam?
Theo nhìn nhận Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải, một khi NDT được vào rổ tiền tệ của IMF thì biến động của NDT sẽ nhiều hơn trước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đang thâm hụt thương mại lớn từ Trung Quốc nên chắc chắn nếu NDT biến động mạnh sẽ tác động nhất định đến đồng việt Nam. Song vì Việt Nam không cho phép sử dụng NDT cũng như các ngoại tệ khác nên sẽ làm giảm thiểu tác động đồng NDT với tỷ giá. Hơn nữa, hiện cán cân thanh toán tổng thể đang dương nên áp lực phá giá lên đồng nội tệ không lớn như các đồng tiền khác.
Trong diễn biến những ngày gần đây, tỷ giá có biến động nhẹ, tuy nhiên đặt trong quãng thời gian so sánh tháng 12 năm 2015 với tháng 12 của các năm kinh tế khác, tỷ giá khá lặng. Tại một số ngân hàng lớn, USD được niêm yết quanh mức 22.430 - 22.500 VND/USD (mua vào – bán ra). Cụ thể tại ngân hàng xuất nhập khẩu và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, USD có giá 22.420 - 22.510 VND/USD và 22.440 - 22.510 VND/USD. ( tương ứng chiều mua vào – bán ra).
Ông Hải cho rằng, NDT vào rổ tiền thanh toán quốc tế hay dự báo FED có thể hạ lãi suất không còn là yếu tố quá bất ngờ hoặc ảnh hưởng quá mạnh lên tỷ giá tiền đồng/USD. Yếu tố này đã nằm trong dự báo của thị trường và đã được phản ánh đầy đủ trong diễn biến tỷ giá. Bản thân tiền đồng đang nằm trong nhóm đồng tiền của các nước đang phát triển. Đây là nhóm đồng tiền dễ bị tác động bởi bất kỳ biến động kinh tế, chính trị nào trên thế giới. Tuy nhiên, lợi ích của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính nên tác động từ bên ngoài cũng sẽ được giảm thiểu.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra góc nhìn, nếu như Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT thì sẽ có ảnh hưởng nhất định. Trong khi tỷ giá tiền đồng tiếp tục được neo giữ so với USD thì Việt Nam sẽ bị bất lợi trong xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đồng thời sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, từ đó nhập siêu sẽ tăng vào tạo áp lực nhất định lên tỷ giá, buộc NHNN có thể phải điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD.
Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 11 tháng của năm 2015 ước tính nhập siêu 3,8 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra lời khuyên, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đa phần đều sử dụng đồng USD để giao dịch. Thế nhưng trong thời gian tới, trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp hận trọng hơn trong việc sử dụng các phương thức thanh toán hữu hiệu, ít rủi ro và hướng tới các chuẩn mực thanh toán.