Làng than bức tử cây đặc sản

Quốc Khánh - Hữu Nguyễn 07/12/2015 09:27

Về ấp Phú Tân và Phú Tân A thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), chúng tôi ghi nhận số lò than hầm nổi lên dày đặc, bất chấp sự phản đối gay gắt của nhiều chủ vườn gần đó. Việc này đã làm cho nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cam sành lâm cảnh điêu đứng. 

Làng than bức tử cây đặc sản

Hàng trăm lò hầm than ngày đêm thải khói bụi ở xã Phú Tân.

Nhà vườn than… như sấm.

Mặc dù, huyện Châu Thành đã ban hành văn bản không cho người dân ở các ấp Phú Lễ, Phú Tân, Phú Tân A xây mới lò hầm than thế nhưng, vì lợi nhuận kinh tế, nhiều hộ dân đã lén lút xây dựng và hoạt động công khai, gây ra tác động không nhỏ đến vùng chuyên canh cây đặc sản.

Lo lắng vì năng suất cây trồng ngày một giảm cũng như bỏ ra nhiều chi phí trong việc khắc phục những ảnh hưởng khói bụi của lò hầm than, anh Nguyễn Hữu Nghị ở ấp Phú Tân có hơn 3 ha đất trồng cam xoàn, cam sành, bưởi “Năm roi” cách lò than hơn 100m, nói: “Năng suất cây trồng giờ đây giảm từ 40 – 60%. Trước đây, mỗi lần đến đợt còn dám kêu thương lái đến thu mua còn giờ thì phải tự thu hoạch, rửa sạch rồi mới đem cân được. Mỗi lần tỉa cây là coi như chui trong bếp ra. Chỉ cần có gió lên là khói bụi bay mù mịt, còn lúc 2 – 3 giờ sáng mở cửa ra là bị sặc hơi tức khắc. Chẳng lẽ có đất lại bỏ hoang chứ trồng cây trái ở khu vực này thì như tiền cũ đổi tiền mới. Khi lò than chưa tăng lên ồ ạt như bây giờ thì không ở đâu, giá cam bán được giá cao như ở đây. Vậy mà giờ đây, nếu cam xoàn xã khác bán được 30.000 đồng/kg nhưng vườn này chỉ cân được 21.000 đồng/kg”.

Cũng ngao ngán như nhiều nhà vườn canh tác gần các lò hầm than, anh Nguyễn Lê Cường có 15 công đất đang trồng chuối than thở: “Trước đây, toàn bộ khu vườn cũng trồng bưởi, cam cho thu nhập rất ổn định. Thế nhưng, vài năm gần đây cây trồng trong vườn bị đóng khói bụi than, cây trái không phát triển mà còn bị hư sạch. Tưởng là giống bị thoái hóa, gia đình đi mua cây giống khác về trồng rất nhiều đợt mà vẫn không có kết quả. Khi cây cao khoảng 1m là bắt đầu hư rồi… Đành đốn bỏ! Giờ trồng chuối mặc dù có thu hoạch bán nhưng rất tốn công bao buồng và năng suất cũng không cao, lại chịu cảnh mất giá, thậm chí nhiều buồng bị bám khói nên thương lái chẳng chịu lấy”.

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó Phòng NN&PTNN huyện Châu Thành cho biết: “Việc sản xuất than, khói bụi sẽ bay ra ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây ăn trái nên năng suất giảm đi đáng kể. Toàn huyện có diện tích trồng cam, bưởi là 5.600 ha, trong đó xã Phú Tân chiếm trên 1.000 ha. Vùng cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi lò than nặng nhất tập trung ở ấp Phú Tân, Phú Tân A. Chính vì thế địa phương đã mời nhiều chuyên gia về nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại cây trồng nhưng đều không mang lại kết quả, kể cả chuối”.

Chưa có chế tài đối với lò than chui
Đảo xe quanh các xóm lò than ở xã Phú Tân không khó để bắt gặp “con đường gỗ” bởi hai bên được chất đủ thứ cây được cắt ra từng đoạn khoảng 0,5m để “nạp” cho những chiếc lò than hầm cao hàng mét. Bên trong, các nhân công đang hì hục vác từng thúng than đổ xuống bãi đất làm cho khói bụi bay tung tóe. Kế đến, người thì nhặt đem cân, người thì sắp xuống ghe chở đi tiêu thụ.

Dừng xe lại một lò than đang bốc dỡ, ông Nguyễn Văn N., là chủ 7 lò hầm than ở ấp Phú Tân nói: “Than ở đây được hầm từ các loại gỗ như: nhãn, đước, tràm, bưởi …Cứ khoảng 1,5 tháng mỗi lò sẽ cho ra một mẻ than khoảng 13 tấn, trừ tất cả các chi phí còn lãi từ 4 –10 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng. Từ lò đầu tiên xây dựng hơn 20 năm trước giờ đã mở rộng lên thành 7 lò, trong đó có 2 lò xây cách nay 2 năm”.

Theo lời ông N., các hộ sản xuất than ở đây biết rất rõ chuyện xây mới lò than là vi phạm cũng như việc thiết kế lò theo kiểu truyền thống là chưa đảm bảo môi trường. Việc số lò than tăng do nhiều người thấy lợi nhuận nên chạy theo. Với lại, dù cấm nhưng chưa có xử phạt gì nhiều. “Thấy một số lò lắp hệ thống xử lý khói bụi với giá khoảng hơn chục triệu đồng/lò nhưng việc xả khói bụi ở đây cũng không ảnh hưởng đến môi trường lắm nên tôi cũng không làm theo”, ông N., nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Trung, Trưởng phòng TN&MT huyện Châu Thành cho biết: “Tổng số lò than ở ấp Phú Tân, Phú Tân A hiện có khoảng 625 thay vì chỉ 200 lò vào năm 1980. Tất cả các lò hầm than ở đây đều không được cấp phép, bởi không nằm trong diện quy hoạch, không thuộc làng nghề, không đảm bảo môi trường. Những hộ dân xây mới đều bị lập biên bản. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức vi phạm sử dụng đất sai mục đích…”.

Câu trả lời của chính quyền địa phương còn đang bỏ ngỏ.

Quốc Khánh - Hữu Nguyễn