Từ đường dây nóng y tế: Chuyện dở khóc, dở cười
Tắm công cộng không quần áo bị phê bình - gọi đường dây nóng. Lót tay nhân viên y tế không thành - gọi đường dây nóng. Sốt ruột không chờ đợi được BV chữa máy xạ trị - gọi đường dây nóng... Có thể các bạn không nhịn được cười khi đọc những dòng này nhưng, đã có không ít người trong ngành y phải khóc vì thế...
Thông tin đường dây nóng Bộ Y tế tại BV K Trung ương. Ảnh: TNK.
1. Ấy là trường hợp của bệnh nhân Đàm Văn Tâm, sinh năm 1993, quê tại Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng. Ông đến Phòng khám Ngoại BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà ngày 14/11 trong tình trạng tỉnh táo, tay chân hoạt động động bình thường tuy có dấu hiệu xây xát nhẹ vùng chóp đầu do đánh nhau.
Theo lời kể của bệnh nhân, đêm 13/11 có nhập BV đa khoa tỉnh Bình Định tại lầu 6, khoa Thần kinh và có gây gổ với nhân viên y tế ở đó rồi trốn viện mà chưa thanh toán viện phí. Bác sĩ BV Phong - Da liễu Quy Hoà đề nghị cho chụp CT Scanner đầu để chẩn đoán điều trị và làm một số xét nghiệm khác nhưng bệnh nhân Tâm không đồng ý cho chụp.
Ông nói: “Tôi chỉ bị đánh vào đầu chứ không bị chấn thương sọ não nên chụp CT làm gì?”. Cuối cùng ông chỉ chấp thuận cho BV làm một số xét nghiệm rồi xin nhập viện. Sau khi làm xong thủ tục nhập viện, 9h sáng hôm đó, bệnh nhân Tâm vào nhà vệ sinh chung để tắm nhưng lại... không mặc quần lót và không đóng cửa phòng tắm khiến cho một số người bệnh và người nhà bệnh nhân khác thấy phản cảm, khó chịu và nhắc nhở. Bệnh nhân Tâm không những không tiếp thu mà chửi lại họ. Sau khi nhận được phản ánh của người bệnh, nhân viên BV nhắc nhở cũng bị bệnh nhân Tâm nói lại với những lời lẽ thiếu tôn trọng. Khi được Giám đốc nhắc nhở, ông Tâm vặc lại: “Ở đất Đà Nẵng tôi đã không ngán ai thì đất Quy Nhơn này là cái gì? Ông là ai mà dám nói tôi?”.
2. Chuyện xảy ra tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới vào trung tuần tháng 10 vừa qua, liên quan đến người nhà sản phụ Nguyễn Thị Ái Vân. Sau khi lót tay không thành cho nhân viên BV với số tiền 300 nghìn đồng, người nhà sản phụ gọi điện thoại vào đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh hộ sinh ở đây “đòi cảm ơn” và việc này “diễn ra ở tất cả các khoa/phòng khác của BV nói trên, kể cả trưởng khoa”.
Nếu không có quà cảm ơn thì bác sĩ sẽ “không quan tâm đến bệnh nhân”. Người gọi điện vu khống cho một hộ sinh “chê ít” đối với khoản tiền nói trên, rằng “từng này không đủ để chia cho cả khoa”(!). Việc người nhà bệnh nhân nói trên lót tay và bị nhân viên BV này từ chối còn lặp lại nhiều lần. Tất cả những sự việc lót tay không thành rồi vu khống cho cán bộ, nhân viên BV nói trên đã được gia đình sản phụ xác nhận sự thực và đính chính lại những gì họ đã đặt điều cho BV.
3. Ngày 14-10 vừa qua, Sở Y tế TP Hà Nội nhận được công văn của Bộ Y tế về việc kiểm tra thông tin và đề xuất giải pháp giải quyết ý kiến phản ánh của người dân phản ánh “thái độ thờ ơ, không quan tâm, không hướng dẫn chu đáo của bác sĩ Nguyễn Việt Đăng - khoa Nội Cấp cứu, BV đa khoa Xanh Pôn”. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Sở Y tế vỡ lẽ ra rằng ngày 3/10, bác sĩ nói trên có tiếp bệnh nhân Đặng Thị Nhung, sinh năm 1991 đến khám vì bị sốt giờ thứ 7.
Bác sĩ Đăng đã cho làm xét nghiệm công thức máu nhưng chưa cho bệnh nhân làm xét nghiệm test NS1 để chẩn đoán sốt xuất huyết vì người bệnh mới sốt; đã cho bù dịch và kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng như ghi sổ khám bệnh. Tất cả việc làm nói trên của bác sĩ Đăng đúng quy trình nhưng chưa kịp thời giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân, khiến người bệnh này “phát” vào vào đường dây nóng như vậy.
Tại BV K Trung ương, do máy xạ trị gia tốc bị hỏng khiến người bệnh phải chờ đợi lâu lại không được giải thích kịp thời, thoả đáng cũng bị họ “phát” như trường hợp người nhà bệnh nhân Trần Thị Tèo, ung thư cổ tử cung, hiện đang được điều trị tại khoa Xạ 2, BV này.
Những chuyện nói trên xảy ra và đã được làm rõ sự thật. Tuy nhiên, để làm hài lòng người bệnh, các BV nói trên vẫn tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong giao tiếp với bệnh nhân đối với các bộ, nhân viên của mình đồng thời giải thích kỹ lưỡng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu những quy định của BV trong quá trình điều trị tại đây. Các bệnh nhân nói trên đã hiểu ra vấn đề và thông cảm với các cán bộ, nhân viên y tế.