Tổng thống Obama: 'Chúng tôi sẽ tiêu diệt IS'
Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu tại phòng Bầu dục hồi cuối tuần qua, đã tìm cách trấn an người dân trong nước trước nguy cơ các vụ tấn công khủng bố, khi tuyên bố sẽ tiêu diệt tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời xem xét lại chiến lược của nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu tại phòng Bầu dục (Nguồn: Telegrpah).
Trong bối cảnh đang đối diện với sự nghi ngờ về khả năng lãnh đạo, ông Obama đã một lần nữa nhấn mạnh vào sức mạnh quân sự của nước Mỹ để trấn an người dân trong nước, sau khi xảy ra vụ xả súng nghiêm trọng ở bang California, khiến 14 người thiệt mạng.
“Nhiều người Mỹ đang tự hỏi rằng có phải chúng ta đang đối mặt với một khối ung thư không có cách chữa trị?” - ông Obama nói với sự đồng cảm sau khi vụ tấn công khiến 14 người thiệt mạng xảy ra - “Đây là điều tôi muốn các bạn hiểu. Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là thực, nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó. Chúng ta sẽ tiêu diệt IS và bất kỳ tổ chức nào khác âm mưu hãm hại chúng ta”.
Tổng thống Mỹ cũng thúc giục cộng đồng người Hồi giáo ở nước này cũng như trên toàn thế giới “kiên quyết từ bỏ tư tưởng thù hằn mà các tổ chức như IS và al-Qaeda tuyên truyền”.
Bài phát biểu của ông Obama được thực hiện trong phòng Bầu dục - căn phòng được xây dựng từ thời Tổng thống Harry Trueman, sử dụng trong trường hợp khủng hoảng quốc gia. Đây là lần thứ ba căn phòng này được sử dụng để đưa ra một tuyên bố. Lần đầu tiên nó được sử dụng là khi Vịnh Mexico bị sự cố tràn dầu, và lần thứ hai đánh dấu kết thúc chiến dịch quân sự ở Iraq.
Và giờ, bài phát biểu lần thứ ba trong căn phòng này xuất hiện sau sự kiện tấn công khủng bố đẫm máu ở San Bernardino hồi tuần trước, khi một cặp vợ chồng trẻ người Hồi giáo xả súng điên cuồng vào một phòng tiệc đông người, trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã hoan nghênh những kẻ tấn công trong vụ xả súng này, gồm một công dân Mỹ tên Syed Farook cùng vợ mang quốc tịch Pakistan tên Tashfeen Malik, là những “chiến binh” của IS, đồng thời nhận trách nhiệm vụ việc.
Bài phát biểu của Tổng thống Obama lần này mang ý nghĩa quan trọng khi ông dường như tuyên bố sẽ đương đầu với mối đe dọa này. Ông Obama cũng đưa ra chi tiết một chiến lược mới chống lại IS, trong đó phần lớn tập trung vào hành động, trí tuệ và hoạt động phản tuyên truyền từ cộng đồng như một nguồn lực chính.
Dễ nhận thấy xuyên suốt bài phát biểu này là lời kêu gọi của ông Obama đến cộng đồng Mỹ: “Chúng ta không thể xem đây là cuộc chiến giữa nước Mỹ và người Hồi giáo. IS không phải là tiếng nói của người Hồi giáo. Chúng là những kẻ côn đồ, giết người. Chúng chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong cộng đồng Hồi giáo hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới”.
“Nếu chúng ta muốn đánh bại chủ nghĩa khủng bố, thì cần phải coi cộng đồng Hồi giáo như những đồng minh mạnh mẽ nhất, hơn là nghi ngờ và ghét bỏ họ”, ông Obama nói thêm.
Sau gần hai thập kỷ chiến đấu chống lại chủ nghĩa cực đoan, từ Afghnistan cho đến Boston, người Mỹ dường như ngày càng trở nên chia rẽ xung quanh bản chất của sự việc và cách thức hành động. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã yêu cầu ông Obama triển khai toàn diện lực lượng bộ binh của NATO đến Syria và nối lại các chương trình tra tấn hỏi cung ở nhà tù Vịnh Guantanamo vốn gây tranh cãi - điều mà chính quyền Obama bác bỏ.
Những nghị sĩ có tư tưởng bảo thủ cũng tỏ ra phẫn nộ sau khi Tổng thống Obama nhắc lại lời kêu gọi kiểm soát súng đạn trong nước đồng thời bác bỏ phát động một cuộc chiến dưới mặt đất ở khu vực Trung Đông.
“Sự thành công của chúng ta không nên dựa vào những lời nói cứng nhắc, từ bỏ giá trị của chúng ta, hay rơi vào tâm trạng sợ hãi. Đó chính là điều mà các tổ chức như IS mong muốn” - ông Obama nói. “Chúng ta không nên một lần nữa lại bị kéo vào một cuộc chiến trên mặt đất kéo dài và hao tổn ở Iraq và Syria. Đó cũng là điều mà các nhóm như IS muốn”.