Chống tham nhũng-cần công cụ kiểm soát mang tính cưỡng chế

M.Loan 09/12/2015 07:10

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ công chức và người có quyền, còn nếu không thì công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ vô phương.

Chống tham nhũng-cần công cụ kiểm soát mang tính cưỡng chế

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền.

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường hiệu quả thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN)- kinh nghiệm một số nước và thực tiễn Việt Nam”, do Ban Nội chính Trung ương phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội sáng qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, để đạt mục tiêu “không dám, không thể tham nhũng” rất khó khăn nếu không có những biện pháp thiết thực.

Vẫn theo ông Quyền, biện pháp thiết thực chính là: Ngay từ bây giờ nghiên cứu xây dựng Luật Kiểm soát tài sản thu nhập. Luật áp dụng không phải chỉ với cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn- điều này không nghĩa lý gì cả bởi vì tiền và tài sản “đánh bùn sang ao” rất dễ.

Ông Quyền cũng cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ công chức và người có quyền, còn nếu không thì công cuộc PCTN sẽ vô phương.

“Bộ luật Tố tụng hình sự chúng tôi đấu tranh mãi về điều tra đặc biệt, đáp ứng một phần công ước về PCTN nhưng vấn đề cốt lõi nhất là rất khó trong phát hiện hành vi tham nhũng. Trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng tại nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, nhưng có tỉnh, cả năm chẳng phát hiện được vụ nào. Thanh tra, kiểm tra, chính trị nội bộ, kiểm điểm... không phát hiện được “ông” nào, rõ ràng là bế tắc. Chúng ta đang thiếu những công cụ kiểm soát mang tính chất cưỡng chế của Nhà nước liên quan đến các thiết chế về phòng chống tham nhũng- ông Quyền nói.

TS Đinh Văn Minh- Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đặt vấn đề: Đối tượng kê khai tài sản như vậy đủ chưa, hợp lý chưa? Có thực sự cần thiết không? Tuy nhiên có một điều quan trọng cần phải cân nhắc đến là giữa số lượng kê khai tài sản và khả năng có thể kiểm soát được tính trung thực của người kê khai. Với số lượng trên dưới một triệu bản kê khai tài sản thì một loạt các vấn đề có liên quan có thể nảy sinh khi triển khai thực hiện. Đặc biệt là kiểm soát về tính trung thực của việc kê khai.

Việc kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên cũng là điều gây nhiều tranh luận. Hầu như mọi người đều nhìn ra lỗ hổng rất lớn. Người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản của mình cho con đã thành niên, nhất là trong trường hợp người con này không thuộc diện kê khai tài sản. Vậy quy định việc kê khai tài sản phải bao gồm cả những người thân của người có chức vụ, quyền hạn đến mức nào là đủ.

Hội thảo được tổ chức vào dịp trước Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng 1 ngày (hôm nay, 9/12), cho thấy Việt Nam đang nỗ lực trong công cuộc đấu tranh PCTN dù rằng vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ trong các quy định của pháp luật để đạt kết quả tốt hơn.

M.Loan