BIDV tăng cường hợp tác với các tỉnh khu vực ĐBSCL

Hoàng Anh 10/12/2015 18:29

Ngày 9/12/2015, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tổ chức chương trình “Trao đổi về hợp tác đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”.

Đại diện BIDV trao an sinh xã hội cho các tỉnh. (Nguồn: BIDV).

Tham dự chương trình có đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ công thương, Lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL, BIDV và các doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện các dự án trong khu vực.

Bằng năng lực, kinh nghiệm cũng như tâm huyết đối với việc phát triển KT-XH quốc gia nói chung và vùng BĐSCL nói riêng, BIDV xác định sẽ là đơn vị đi đầu trong tham gia, đóng góp cho sự phát triển KT-XH vùng.

Phát biểu tại chương trình trao đổi, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV đã khẳng định và đề xuất nhóm các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, quan tâm tháo gỡ, giải quyết những nút thắt phát triển vùng trong thời gian tới, như:

Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết vùng.
Về kết cấu hạ tầng, nên thực hiện theo phương thức xã hội hóa. .
Tổ chức hợp tác nghiên cứu về mô hình đổi mới, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Phối hợp với tổ chức phát triển Nhật Bản - Jica xây dựng chương trình chuẩn về Tín dụng Nông thôn.
Xây dựng các mô hình tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được lợi ích, gắn với sản xuất và thị trường. Ứng dụng, tiếp nhận đào tạo công nghệ cao trong nông nghiệp, với mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững
Năm 2016 được Chính phủ lựa chọn là năm du lịch Tây Nam bộ, bên cạnh các hoạt động đầu tư, BIDV sẽ đề xuất tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Ixrael, Đài Loan về ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sản xuất cây rau, củ, quả, chăn nuôi công nghệ sạch, chất lượng cao, nâng cao giá trị thương phẩm của sản vật vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBSCL đến năm 2020 (theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 của Thủ Chính phủ), cần thiết có những điều chỉnh, bổ sung, đánh giá tình hình thực tế. Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị, tập trung phát triển vùng đô thị trung tâm, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm về công nghiệp, thương mại dịch vụ, tài chính - ngân hàng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo của toàn vùng.

BIDV cũng đề nghị Chính phủ sớm đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế theo tinh thần Quyết định 941/TTg. Cần thiết có thể thiết lập hội đồng điều hành vùng, nhằm liên kết phát triển, tạo tính thống nhất, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng.

Với gần 60 năm xây dựng và phát triển, BIDV là một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, có mạng lưới rộng khắp tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cùng kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện lớn, BIDV đã tổ chức thành công nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư (HNXTĐT) tại nhiều địa phương trên cả nước trong 10 năm qua. Tại ĐBSCL, BIDV đã tham gia tổ chức thành công 7 HNXTĐT (tại Cần Thơ tháng 11/2008, Trà Vinh tháng 05/2009; Hậu Giang tháng 11/2009, Tiền Giang tháng 1/2010…).

Trong quá trình hoạt động, BIDV luôn đồng hành cùng sự phát triển của các tỉnh khu vực ĐBSCL. Hiện tại, BIDV đã có 28 Chi nhánh, 89 Phòng giao dịch, 141 máy ATM, 457 máy POS với 245,8 nghìn thẻ được phát hành tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, qua đó đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu về các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Để tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong khu vực trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, BIDV cũng cam kết sẽ phối hợp hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án của vùng thông qua 4 vai trò như: tư vấn định hướng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng; cung cấp vốn tín dụng, hỗ trợ triển khai các dự án, chương trình trọng điểm trên địa bàn; xúc tiến, kết nối đầu tư; triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội. Cụ thể:

Trong năm 2015, BIDV đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Kiên Giang và UBND thành phố Cần Thơ về Đào tạo kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế và quản trị công chothế hệ trẻ; ký kết Thỏa thuận hợp tác với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ GTVT về Nghiên cứu, triển khai các Dự án “Nâng cấp kênh Quan Chánh Bố thuộc Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” và “Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo” theo hình thức đối tác Công tư; và dự kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác về Tài trợ các dự án tư vấn kỹ thuật và nâng cao kiến thức hội nhập; Tư vấn, hỗ trợ về công tác quy hoạch, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi cho một số địa phương khu vực ĐBSCL

Giai đoạn 2016-2020, BIDV sẽ đề xuất các gói hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại cho công tác nghiên cứu, quy hoạch; cũng như nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các ứng dụng có khả năng sản xuất hàng hóa công nghiệp tại vùng và các địa phương. Đồng thời, tham gia, phối hợp trong công tác nghiên cứu, tư vấn chuyên sâu đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành thủy sản của vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm của vùng, BIDV cam kết dành 10-15 nghìn tỷ để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP); 12-15 nghìn tỷ để phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc.

Bên cạnh đó, BIDV sẵn sàng hỗ trợ 10 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; và 10 tỷ đồng cho công tác quy hoạch vùng nguyên liệu hải sản, cây ăn quả. Về hoạt động an sinh xã hội, giai đoạn 2016-2020, BIDV sẽ tiếp tục triển khai các chương trình ASXH đã cam kết, đồng thời đẩy mạnh các chương trình ASXH mới tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục, đền ơn đáp nghĩa.

Hoàng Anh