Triển khai Số định danh: Còn nhiều thách thức
Số định danh cá nhân được xem là chìa khóa để chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra khi đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số định danh cá nhân khi ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Việc triển khai Số định danh sẽ góp phần nâng cao
hiệu quả quản lý về dân cư. Ảnh: Mạnh Hoàng.
“Chìa khóa” giảm gánh nặng về TTHC
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp), Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể Đơn giản hóa TTHC giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), Số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896, từ ngày 1/1/2016, sẽ cấp mã số định danh cá nhân trên toàn quốc cho cả những công dân sinh trước và sinh từ 1-1-2016.
Theo Đề án này, với những công dân khai sinh trước 1/1/2016, người đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thông qua cấp Thẻ căn cước công dân, số căn cước là số định danh cá nhân. Còn với những người dưới 14 tuổi, sẽ cấp mã số định danh và ghi vào sổ hộ khẩu khi nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc cấp số định danh cá nhân cho công dân sẽ giúp giảm đi rất nhiều các thủ tục hành chính rườm rà trong tổng số 2.700 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân giữa công dân và các cơ quan hành chính.
Đánh giá vai trò của Số định danh, Trung tá Trần Nam Trung – Trưởng phòng P4/C72 khẳng định, dù Số định danh cá nhân là một khái niệm mới, được đề cập trong thời gian gần đây, song đây chính là chìa khóa kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc cập nhật, chia sẻ, khai thác dữ liệu nhằm cải cách TTHC.
Trên thực tế để cải cách việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ công dân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư và cắt giảm gánh nặng của TTHC cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các giao dịch hành chính có sử dụng giấy tờ công dân, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng công cụ Số định danh công dân và xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử.
Vẫn còn nhiều thách thức
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cũng như bối cảnh hiện nay cho thấy, việc cấp Số định danh cá nhân và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là biện pháp hiệu quả nhất giúp khắc phục những bất cập trong cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ công dân ở nước ta.
Theo rà soát của Bộ Tư pháp, hiện có khoảng 2.700 thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu các thông tin công dân cơ bản của công dân; trên 1.100 giấy tờ là kết quả giải quyết của TTHC có chứa các thông tin cơ bản công dân. Các thông tin công dân này được yêu cầu thể hiện trong mẫu đơn, mẫu tờ khai và giấy tờ khác. Điều này, không chỉ gây khó cho người dân mà cho chính các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết hồ sơ TTHC.
Chính vì vậy, việc ra đời Số định danh là yêu cầu tất yếu để giải quyết những bất cập do sự phân lập trong quản lý dân cư hiện nay. Tuy nhiên, giá trị của Số định danh cá nhân chỉ có thể phát huy được giá trị của nó khi và chỉ khi có sự tích hợp với hệ thống dữ liệu về hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, xuất nhập cảnh, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…Trong khi đó, để triển khai việc này vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra khi sử dụng số định danh cá nhân để giải quyết TTHC.
Liên quan tới vấn đề này, Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra về cơ sở pháp lý, nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất trong quá trình triển khai. Đơn cử như hiện nay, các TTHC có quy định về thông tin công dân được quy định tại trên 600 văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy để đơn giản hóa lượng văn bản trên, cần rà soát lại cũng như phải sửa đổi một lượng lớn các văn bản. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án.