Gặp tiến sĩ 'bán ôtô, ở nhà vợ' làm khoa học

Thủy Anh 11/12/2015 09:49

TS Nguyễn Bá Hải được biết đến là một nhà khoa học trẻ với nhiều nghiên cứu khoa học tiêu biểu, giàu tính nhân văn như mắt kính thông minh cho người khiếm thị, máy pha chế cà phê kết hợp công nghệ Nhật - Việt - Ý…

TS Nguyễn Bá Hải với sản phẩm “Mắt thần”.

Hiệp sĩ diệt giặc… mù

TS Nguyễn Bá Hải (năm nay 32 tuổi) hiện là giảng viên Trường ĐHSP Kỹ thuật TP HCM, Trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm Robot sinh học và Giám đốc Trung tâm Dạy học số của Trường. Anh được biết đến với những thành tích như tiến sĩ chuyên ngành robot sinh học khi mới 27 tuổi, hoàn thành 5 sáng chế quốc tế ở tuổi 28, 1 sáng chế tại Việt Nam, 6 công trình công bố quốc tế, 10 đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế. Trong các kết quả nghiên cứu quan trọng, có lẽ phải kể đến sản phẩm thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị, còn được gọi là “mắt thần”.

“Mắt thần” từ khi ra đời đến nay vẫn là thiết bị hiện đại nhất ở Việt Nam hỗ trợ người khiếm thị. Qua nhiều phiên bản, “mắt thần” từ cấu tạo phức tạp, trọng lượng ban đầu nặng tới 2kg với giá 20 triệu đồng, đến nay chỉ như một chiếc kính thông thường, có giá khoảng 2 triệu. Đeo kính vào, người khiếm thị có thể yên tâm xác định được những vật cản ở xung quanh mình trong khoảng cách 120cm.

Nói về cơ duyên đến với nghiên cứu này, TS Hải cho biết, những ngày mày mò nghiên cứu, anh đã có cơ hội gặp rất nhiều trẻ em khiếm thị. “Mặc dù khi đó chưa có con, nhưng tôi cứ trăn trở nếu sau này con mình mù thì sao? Hay là sau này mình bị mù thì sao? Mình không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Những điều đó cứ trăn trở và thúc đẩy. Tôi làm không chỉ vì người mù”.

Mỗi ngày, chiếc kính sẽ báo về “tình trạng sức khỏe”, hoạt động có tốt không, pin còn bao nhiêu. Pin đầy sẽ sử dụng được từ 5 đến 10 ngày, pin một nửa dùng được khoảng 2 đến 4 ngày. Cho đến nay, ngoài khả năng nhận diện các vật cản để báo rung cho người sử dụng lựa chọn được hướng đi an toàn, phiên bản mới nhất đang được nghiên cứu tích hợp nhiều tiện ích khác như nghe nhạc, gọi điện thoại, nhận diện màu sắc…

Từ nỗ lực của bản thân cũng như sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, đã có hơn 1.000 chiếc kính đến được tay những người mù nghèo khó như các bác thương bệnh binh, người hát rong, người bán vé số dạo, giáo viên khiếm thị dạy học tại nhà...

TS Nguyễn Bá Hải cũng cho biết, đã từng có một số doanh nghiệp trả giá nhiều tỷ đồng để thương mại hóa sản phẩm ở nước ngoài. Tuy nhiên, anh đã hứa với những người bạn từng “góp gạo, mắm muối” cho anh ăn trong lúc còn ở trọ, thì anh sẽ gửi quà tặng lại cho tất cả mọi người mù Việt Nam.

“Thất bại là mẹ thành công”

Đam mê khoa học, sống với khoa học, TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ: “Thực ra lúc đầu Hải không có dám lấy vợ. Tốt nghiệp TS tại Hàn Quốc năm 2010, về nước 3 năm rồi tôi mới lập gia đình. Trước khi lấy vợ tôi cũng phải nói rõ với vợ rằng, nếu lấy anh có thể sẽ phải ở nhà trọ khoảng 10 năm trở lên. Tuy nhiên, vợ tôi cũng chấp nhận. Đi theo con đường khác có thể sẽ có vật chất tốt hơn, nhưng đã đam mê rồi nên không bỏ được. Từ những chuyến đi, gia đình cũng hiểu hơn những việc làm ý nghĩa, và thúc đẩy tôi làm tốt hơn. Thực ra thì lá rách ít đùm lá rách nhiều, còn chờ đến khi giàu có thì chắc không bao giờ có đâu”. Tiếp tục câu chuyện, chàng tiến sĩ trẻ cũng thành thật chia sẻ, “hiện tại tôi vẫn ở nhà vợ”.

TS Nguyễn Bá Hải cho rằng, điều cần thiết đối với một nhà khoa học là niềm đam mê nghiên cứu và không ngại mạo hiểm, không ngại khó khăn, biết chấp nhận thất bại. “Bản thân tôi đã gặp những thất bại trong 8 phiên bản nghiên cứu mắt thần cho người khiếm thị trong nhiều năm. Tôi đã từng nghe người khiếm thị phản hồi tiêu cực về sự nặng nề của sản phẩm…”, TS Hải cho biết.

Ngoài “mắt thần”, TS Nguyễn Bá Hải và các thành viên trong nhóm còn nghiên cứu cũng chế tạo nhiều sản phẩm hữu dụng khác như: Robot di động dùng trong xây dựng, robot có thể giám sát qua camera, tìm khuyết tật và phun keo công nghiệp để sửa đường ống bị vỡ; máy pha cà phê, bằng cách kết hợp công nghệ Nhật – Việt – Ý đã tạo nên thương hiệu cho café JAVI…

Sau 2 năm, với 5 phiên bản phát triển, dự án gia tăng giá trị nông sản là hạt café nhờ phát triển công nghệ Pha chế độc quyền Nhật – Việt – Ý để tạo ly café thuần Việt từ lúc lỗ khoảng 70 triệu 1 tháng đến nay đã tạo thêm 10 điểm bán café sạch giá chỉ 10 ngàn đồng, tạo thêm 15 công ăn việc làm thu nhập ổn định cho thanh niên khó khăn.

Dự án Robot từ lúc phải bán đi chiếc xe Matiz cũ duy nhất còn niên hạn sử dụng vừa phục vụ nghiên cứu vừa phục vụ đi lại để đầu tư mua linh kiện cho robot thì cũng đã hoàn thành phiên bản mẫu thứ nhất và kêu gọi đầu tư mạo hiểm được khoảng 500 triệu hỗ trợ cho công cuộc nghiên cứu tiếp theo. “Tất cả thật khó khăn và vất vả – nhưng chúng tôi vẫn làm việc bằng tất cả tình yêu khoa học và khát vọng cháy bỏng của những người trẻ Việt Nam”.

Bằng tất cả sự cố gắng, TS Hải luôn khẳng định: “Nếu có một lựa chọn cho ngày hôm nay, tôi sẽ tiếp tục chọn con đường trên nền tảng tình yêu thương ấy. Hãy ước mơ, hãy tin tưởng đoàn kết, hãy làm việc chăm chỉ, và thành công sẽ tới”.

Thủy Anh