Tưởng niệm 707 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Sáng nay, 11/12, tại lễ đài khai hội Yên Tử - KDT Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh), Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam và GHPG Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan toả; tưởng niệm 707 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1/11/1308 - 1/11/2015).
Sân khấu lễ hội lễ đài khai hội Yên Tử, TP Uông Bí.
Đến dự có các ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; đại diện các cơ quan, ban, ngành, đơn vị của trung ương, tỉnh có liên quan.
Về phía Giáo hội có Hoà thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh (HĐCM) GHPG Việt Nam; Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự (HĐTS) GHPG Việt Nam cùng nhiều vị chức sắc đại diện cho HĐCM, HĐTS GHPG Việt Nam, lãnh đạo 63 Ban Trị sự (BTS) GHPG các tỉnh, thành trong cả nước và đông đảo tăng, ni, phật tử gần xa.
Tham gia buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau tưởng niệm công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông; thông qua các bài phát biểu nêu bật vai trò, ý nghĩa tốt đẹp của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử phật giáo nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPG Việt Nam nhấn mạnh: Thiền phái Trúc Lâm đã hợp nhất được 3 dòng thiền, hội tụ và dung hợp được nguồn minh triết từ các thiền phái phật giáo đã du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Hoa. Từ đây, dòng thiền Trúc Lâm đã phát triển và toả sáng theo đúng nghĩa là thiền phái của người Việt với các vị tổ sư đều là người Việt.
Vì vậy mà sau khi ra đời, Phật giáo Trúc Lâm đã có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phật giáo nước nhà, phát huy tốt những giá trị văn hoá bản địa nội sinh trong lòng dân tộc. Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm đã thắt chặt mối quan hệ giữa đạo và đời, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp trong xã hội.
Con đường hoằng pháp của phật giáo Trúc Lâm đơn giản mà mạch lạc, gần gũi, có ý nghĩa trong đời sống thường ngày. Với các vị danh tăng của thiền phái, phật giáo Trúc Lâm đã đi vào đời sống một cách bình dị, sâu lắng và tồn tại trong đời sống như sự gắn bó giữa con người và quê hương đất nước.
Đánh giá cao vai trò của Phật giáo Trúc Lâm, ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong bài phát biểu tại buổi lễ cũng nhấn mạnh: Với phương châm “đạo pháp - dân tộc - CNXH”, phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước ta luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và quan tâm chăm lo phát triển kinh tế để nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm qua, thực hiện các chính sách về tôn giáo, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm, ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo chính thống được sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ, quy định của pháp luật. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các cơ sở tôn giáo, xây dựng Yên Tử xứng đáng là trung tâm phật giáo Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử vẫn trường tồn suốt hơn 700 năm qua. Đối với lịch sử và văn hoá dân tộc, thiền phái để lại nhiều dấu ấn thiêng liêng trên dãy núi Yên Tử mà con cháu đời sau luôn hướng về. Yên Tử là nơi hội tụ khí thiêng trời đất, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách bốn phương hành hương về với cội nguồn, cái nôi phật giáo Việt Nam, góp phần đưa Quảng Ninh đến với bạn bè trong và ngoài nước nhiều hơn.
Với những ý nghĩa như vậy, ông Lê Quang Tùng đề nghị chư tôn đức tăng, ni ra sức giữ gìn, kế tục và phát triển các giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách tôn giáo của đảng, nhà nước, cùng nhau xây dựng Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của đất nước, xây dựng đất nước, tô điểm cho truyền thống hộ quốc, an dân của Phật giáo nước nhà.
Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc 2015 và tưởng niệm 707 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/12 với nhiều hoạt động như Hội thảo Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan toả; nghi lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng tử trận Bạch Đằng, pháp hội dược sư cầu nguyện quốc thái dân an, đúc tạo 108 tượng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, lễ truyền đăng...
Tối nay, tại chùa Trình, TP Uông Bí, sẽ diễn ra Lễ hội truyền đăng “Phật giáo Trúc Lâm - Hội tụ và lan tỏa” do Ban Hoằng pháp Giáo hội GHPG Việt Nam và GHPG Quảng Ninh phối hợp tổ chức.