Chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho các trường ĐH,CĐ: Phải cập chuẩn và nâng chuẩn
Kể từ khi Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2012, nhiều trường đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ nhưng sự khác nhau giữa các trường cũng như giữa các chuyên ngành trong cùng một trường khiến cho giảng viên, sinh viên và cả nhà tuyển dụng lúng túng.
Ảnh minh họa.
Mỗi trường một phách
Trường ĐH Mỏ Địa chất áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên hệ chính quy, đào tạo theo hệ thống tín chỉ tốt nghiệp trong năm 2015 và năm 2016 phải đạt trình độ Bậc 2 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (NLNNVN) theo quy định của Bộ GD&ĐT, tương đương với TOEIC 4.0 hoặc IELTS 3.5. Sinh viên tốt nghiệp từ năm 2017 trở về sau phải đạt Chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ Bậc 3 Khung NLNNVN, tương đương TOEIC 4.5 hoặc IELTS 4.5.
Tương tự, một số trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa Hà Nội… yêu cầu sinh viên tốt nghiệp cần có chứng chỉ quốc tế TOEIC 450 hoặc tương đương. Riêng những khoa như Du lịch khách sạn (ĐH Kinh tế Quốc dân) yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên cao hơn các ngành khác, cụ thể là IELTS 5.5 hoặc TOEIC 750 hoặc TOEFL 527. Trong khi đó, Học viện Ngoại giao Việt Nam yêu cầu sinh viên khối không chuyên ngữ đã phải đạt trình độ này mới được công nhận tốt nghiệp. Sinh viên khối chuyên ngữ của trường phải đạt IELTS 6.0 hoặc TOEFL 580.
Bên cạnh đó, cũng có những trường yêu cầu mức chuẩn đầu ra Tiếng Anh thấp hơn quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, ĐH Tiền Giang tổ chức kiểm tra năng lực Tiếng Anh cho sinh viên theo định hướng TOEIC. Yêu cầu đối với sinh viên bậc ĐH không chuyên ngữ là từ 350 điểm, bậc CĐ từ 300 điểm. Với những sinh viên đạt IELTS 4.5 hoặc TOEIC 4.5 ngoài việc được công nhận đạt chuẩn còn được miễn học các học phần Tiếng Anh có trong chương trình đào tạo và được nhận điểm 10 (điểm A) cho tất cả các học phần Tiếng Anh.
Tuy nhiên, cũng có những trường như ĐH Ngoại thương Hà Nội chưa yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên tốt nghiệp.
Học không chỉ để lấy chứng chỉ
Đã 3 năm kể từ khi Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực thi hành nhưng đến nay nhiều sinh viên vẫn… bất ngờ khi nhà trường thông báo sẽ áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Để tránh tình trạng này, bài học kinh nghiệm từ ĐH FPT đó là áp dụng dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh ngay từ khi sinh viên bắt đầu theo học. Cụ thể, sinh viên sau khi đỗ vào trường FPT, các em được học một năm dự bị ngoại ngữ để đạt chuẩn tương đương mức 5/6 tiêu chuẩn châu Âu (mức C1) trước khi học chuyên môn chính thức. Trong quá trình học chuyên môn, trường dạy thêm các môn phục vụ cho công việc khi ra trường, chẳng hạn như kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm…
Ưu điểm của việc này là giúp thầy và trò luôn cập nhật giáo trình mới, nguyên gốc, không mất thời gian và nguồn lực để chuyển nhượng bản quyền, dịch sang tiếng Việt và tổ chức in ấn. Quan trọng hơn cả, khi việc học ngoại ngữ được thực hành thường xuyên sẽ tiến bộ rất rõ, tránh được tình trạng học cấp tập trong một thời gian ngắn chỉ để thi lấy chứng chỉ rồi sau đó không áp dụng thường xuyên lại quên ngay.
Nhận định về câu chuyện chuẩn đầu ra ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội chia sẻ hiện nay ở các thành phố lớn, một chứng chỉ như IELTS hay TOEFL là không đủ để tạo ra sự khác biệt. “Khi mà điểm IETLS, TOEFL của ai cũng cao như nhau thì các thí sinh phải nỗ lực thêm nhiều kỹ năng nữa để làm đẹp hồ sơ của mình”.
Vì vậy, dù đáp ứng chuẩn đầu ra của trường nhưng để nâng cao cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường, mỗi sinh viên cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ của bản thân.