Cổ phần hóa đại học công: Bước ngoặt trong giáo dục?
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định thực hiện cổ phần hóa đối với Học viện Hàng không và Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long. Đây chỉ là những đơn vị đầu tiên thực hiện lộ trình cổ phần hóa một số trường đại học công đã được phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề cổ phần hóa ĐH công nói chung vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Học viện Hàng không và Trường Trung cấp nghề GTVT Thăng Long
là 2 đơn vị của Bộ GTVT được cổ phần hóa. (Ảnh: Như Hùng).
Chuyện không mới
“Kinh nghiệm ở các nước khác đó là khi cổ phần hóa một số trường còn nhà nước giữ lại một số trường như Quân sự, Công an, Hành chính và đầu tư kinh phí để phát triển tốt. Còn những trường khác nhà nước nên cho cổ phần hóa để tạo sự cạnh tranh công bằng. Hiện nhà nước đã có một số trường đang thí điểm chính sách này” – ông Trần Xuân Nhĩ chia sẻ. |
Ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Tại khoản 2 Điều 1 quy định về đối tượng áp dụng nêu rõ: “Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thì đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết hợp tác trên cơ sở bảo toàn tài sản và mục đích cung cấp dịch vụ công. Thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất, thí điểm cổ phần hoá trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn”.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12/2014, Bộ Tài chính đã trình nội dung chủ yếu của dự thảo quyết định chuyển đổi. Trong đó, dự kiến sẽ tiến hành cổ phần hóa 30 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty của các Bộ, trong đó có hai bệnh viện và 28 trường ĐH, CĐ, Viện Nghiên cứu. Giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Sau cổ phần hóa, các trường ĐH, CĐ sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục đại học.
Khẳng định chủ trương cổ phần hoá các trường ĐH công là chuyện không mới, một chuyên gia giáo dục cho biết: Năm 2007 vấn đề này đã được chính thức đưa ra xem xét với dự định chọn 15-20 trường để làm thí điểm, như là một biện pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đã có quyết định số 384/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2007 - 2008, trong đó có đề cập đến việc thí điểm cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập gồm trường ĐH Điện lực, CĐ Điện lực TP HCM, CĐ Điện lực miền Trung, CĐ nghề điện. Tuy nhiên, vấn đề này đã tạm bị gác lại do chưa tìm được sự đồng thuận xã hội.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt danh sách thực hiện cổ phần hóa đối với Học viện Hàng không và Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Thăng Long.
Chất lượng đào tạo có tăng sau cổ phần hóa?
Nhìn nhận câu chuyện này, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: Hiện nay hệ thống trường công lập của Việt Nam đang áp đảo với khoảng 400 trường trong tổng số 450 trường trên toàn quốc. Khi học tập ở trường ĐH công, sinh viên chỉ phải đóng một khoản tiền rất nhỏ trong khi sinh viên theo học trường ngoài công lập phải đóng một khoản tiền khá lớn. Việc nhiều trường công lập và ít trường ngoài công cập tạo nên sự mất công bằng trong xã hội cho nên chủ trương của nhà nước hiện nay cổ phần hóa trường công lập là đúng đắn.
Tuy nhiên, để thực hiện cổ phần hóa là chuyện không đơn giản khi trường phải định ra giá trị là bao nhiêu. “Đối với những trường công lập nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên,… sinh viên phải đóng học phí và tiền học phí đó sử dụng để trang trải cho việc học tập. Như vậy, học sinh vào đó đều phải đóng học phí. Với trường hợp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà nước phải có những chính sách hỗ trợ riêng như là cho vay vốn, miễn giảm học phí… Trước kia kinh phí đó sử dụng để đầu tư cho nhà trường. Khi đã cổ phần hóa kinh phí đó được đầu tư cho người học. Có như vậy, chất lượng đào tạo mới được nâng lên”.
Để tránh tình trạng khi cổ phần hóa các trường chạy theo cơ chế thị trường, ông Nhĩ cho rằng chính các trường sẽ phải tự điều chỉnh để thu hút người học. Cụ thể, các trường sẽ có sự cạnh tranh với nhau, trường nào tốt, giá thành hợp lý thì sẽ thu hút được người học, còn đối với những trường giá thành cao, chất lượng đào tạo không tốt thì sẽ bị loại trừ. Cổ phần hóa sẽ thu được kinh phí, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường.
Về phía nhà nước, cần đưa ra những cơ chế chính sách chặt chẽ để quản lý những trường này. Cụ thể, sau khi tiến hành cổ phần hóa, nhà nước cần quản lý vấn đề tuyển sinh và chế độ chính sách cho những sinh viên nghèo. Tức là nhà nước phải có sự can thiệp nhất định để đảm bảo các trường hoạt động hiệu quả và chất lượng đào tạo được đảm bảo. Làm sao để nâng chất lượng đào tạo lên nhưng người nghèo khó cũng có thể theo học.
Ông Nhĩ kiến nghị, khi cổ phần hóa, hội đồng nhà trường sẽ bầu ra người có trình độ quản lý tốt để điều hành, còn nếu không làm tốt sẽ bị hội đồng nhà trường phế truất thay vì cách làm theo “tư duy nhiệm kỳ” ở nhiều nơi như hiện nay.