Giao ban công tác Mặt trận các tỉnh Đông Nam bộ 2015
Chủ trì giao ban Công tác Mặt trận các tỉnh Đông Nam bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đề nghị mỗi tỉnh tự chọn một mô hình cảm thấy học hỏi được kinh nghiệm của địa phương khác áp dụng vào thực tiễn tỉnh nhà.
Quang cảnh hội nghị.
Ngày 12/12, tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Giao ban Công tác Mặt trận các tỉnh miền Đông Nam bộ năm 2015.
Cụm thi đua Đông Nam bộ, gồm 7 tỉnh là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Binh Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh. Trong đó tỉnh Ninh Thuận là thành viên trẻ nhất, vừa tham gia cụm thi đua.
Khẳng định vai trò của mặt trận
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, vai trò của công tác mặt trận ngày càng có tác động rất quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Đặc biệt, hoạt động giám sát - phản biện đã nâng tầm vai trò của mặt trận trong những năm gần đây.
Ông Trần Thanh Liêm cho biết, là đơn vị chủ nhà của cụm thi đua năm nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Dương rất quan tâm đến các hoạt động phối hợp hoạt động với mặt trận địa phương để góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân; huy động mọi nguồn lực xã hội để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác mặt trận năm 2015 cụm miền Đông Nam bộ, ông Từ Thanh Huế, Phó Trưởng Ban Tổ chức – Cán bộ thuộc Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, năm 2015 dù kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn nhưng công tác mặt trận tại các địa phương trong cụm thi đua Đông Nam bộ vẫn đạt được những chuyển biến tích cực.
Một số kết quả điển hình như: tỷ lệ các khu dân cư (KDC) tổ chức được cả phần lễ và phần hội trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đạt từ 70 – 85%, nhiều KDC đã tổ chức được bữa cơm đại đoàn kết; các tỉnh đã lập được đoàn giám sát tiến hành giám sát UBND tỉnh về việc ban hành chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo; giải quyết hàng ngàn đơn khiếu nại, tố cáo, cũng như chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; vận động quỹ “đền ơn đáp nghĩa”,…đạt được những kết quả thiết thực, cụ thể;…
Những điểm mới trong công tác mặt trận
Về những điểm mới trong công tác mặt trận của mỗi địa phương trong cụm thi đua, bà Đặng Minh Lũy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, mặt trận tỉnh đã chủ động đổi mới các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở từ chủ trương mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Điển hình như trong thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về thực hiện nông thôn mới thì Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia trực tiếp hướng dẫn cho các huyện xây dựng các tiêu chí. Chẳng hạn ở huyện Trảng Bàng mặt trận đã góp ý công tác vận động làm đường giao thông nông thôn, với sự tham gia đóng góp của nhân dân trên địa bàn. Hoạt động đã tạo được hiệu ứng rất tích cực và được nhân rộng ra nhiều huyện trên địa bàn tỉnh.
Các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh chủ động tham gia công tác phối hợp tổ chức rất tích cực công tác an sinh xã hội. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh vận động được hơn 20,7 tỷ đồng, cùng với các nguồn lực khác đã trích xây dựng mới 758 nhà cho hộ nghèo, với tổng trị giá lên đến 29,6 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2015 tỉnh chịu nạn hạn hán, với thiệt hại hơn 10.000 gia súc, hàng ngàn gia đình bị ảnh hưởng, trong đó trung ương đã hỗ trợ 4.500 tấn gạo với hàng trăm tỷ đồng cứu trợ.
Trước những thiệt hại, khó khăn của người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cũng đã chủ động tham gia rất tích cực trong công tác vận động mạnh thường quân, trích các nguồn quỹ để hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, ổn định cuộc sống. Về điểm mới trong công tác mặt trận, mặt trận đã chọn 2 chương trình giám sát điểm trong xây dựng nông thôn mới. Xuống cơ sở nghe dân phản ánh, sau đó làm việc với chính quyền để giám sát dân chủ, minh bạch trách nhiệm cụ thể.
“Nhiều bức xúc của người dân đã phản ánh rõ những điểm còn tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới. Khi chúng tôi báo cáo thì tỉnh ủy, ủy ban đều rất chú ý, quan tâm lắng nghe và ghi nhận khắc phục. Rõ ràng trong công tác giám sát, phản biện nếu biết chọn giám sát điểm thì có tác động hết sức quan trọng, nâng cao vai trò, vị thế của mặt trận”, ông Đức nhìn nhận.
Giám sát, phản biện phải hiệu quả
Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, công tác phối hợp giữa các tổ chức thành viên mặt trận thời gian qua chưa phát huy được vai trò, nhất là trong giám sát, phản biện. Nguyên nhân là chưa có cơ chế hiệu quả để tập hợp được dù mặt trận tỉnh nhận thức vai trò của các cá nhân, chức sắc trong các tôn giáo, tín ngưỡng vào ủy viên MTTQ tỉnh là rất quan trọng.
Kinh nghiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận là chủ động phối hợp với UBND tỉnh để có kinh phí hỗ trợ cho giám sát, phản biện, cũng như cơ chế lắng nghe, ghi nhận. Vừa qua, Mặt trận tỉnh đã đưa vào hoạt động chính thức hai Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật và Hội đồng tôn giáo – Dân tộc.
MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng mạnh dạn phân công cán bộ sang làm việc với Sở Y tế về công tác giám sát. Sau khi nghe Sở Y tế tỉnh báo cáo thì MTTQ tỉnh sẽ nêu ra vấn để phản ánh, trước mắt là các vấn đề trong lĩnh vực y tế để tiếp tục có ý kiến.
Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm đổi mới công tác thông tin truyền thông. Theo đó, Mặt trận đã tham gia chú trọng công tác tập hợp, đoàn kết hơn 800 ngàn công nhân trên địa bàn, xây dựng khu nhà trọ văn hóa để tạo ra sân chơi, cũng như tạo điều kiện cho họ hưởng thụ được chính sách của tỉnh Bình Dương.
Đặc biệt trong xây dựng 19 tiêu chí nông thôn mới, tỉnh Bình Dương chú trọng vào phong cách, văn minh đô thị. Trong đó có thí điểm 35 địa phương mô hình “Chính quyền thân thiện, do dân và vì dân”. Đến nay đã có 32/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Có hai huyện Dầu Tiếng và Tân Uyên đang đề nghị Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đã cho mỗi tỉnh tự chọn một mô hình cảm thấy học hỏi được kinh nghiệm của địa phương khác áp dụng vào thực tiễn tỉnh nhà.
“Đã là hội nghị giao ban thì tức là chúng ta phải ý thực học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm quý của nhau. Chẳng hạn mỗi tỉnh chọn một mô hình của tỉnh bạn để học tập sẽ là cách rất tốt để năm sau cụm thi đua Đông Nam bộ sẽ có thêm nhiều bước tiến mới”, bà Thanh nói.
Sau gợi ý của bà Thanh, đại biểu của tỉnh Ninh Thuận đã chọn 1 mô hình của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để học hỏi cách thức, cơ chế tăng chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cán bộ mặt trận các cấp trên địa bàn.
Trong khi đó, đại biểu tỉnh Bình Phước học mô hình động viên, khen thưởng kịp thời cho cán bộ mặt trận (mô hình của Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó, Mặt trận Đồng Nai mỗi năm xin cơ chế trao 3 cờ thi đua của mặt trận, mỗi cờ trị giá khen thưởng là 17 triệu/cờ; Mặt trận Bà Rịa – Vũng Tàu khen thưởng 3 cờ thi đua công tác mặt trận mỗi năm, trong đó trị giá 9 triệu/cờ thi đua.
Bà Bùi Thị Thanh đánh giá cao và ghi nhận các thảo luận tập trung của đại biểu 7 tỉnh đóng góp vào báo cáo chung, trong đó có nhiều cách nghĩ, cách làm mới trong thực hiện 5 chương trình, 3 trọng tâm công tác của mặt trận trong năm 2015.
Bà Thanh cũng tiếp thu những kiến nghị đề xuất của các tỉnh góp ý liên quan đến công tác tổ chức cán bộ (tổ chức bộ máy, quy định bộ máy mttq cấp xã,…); Xem xét, quan tâm đến phụ cấp cho thành viên các hội đồng tư vấn phản biện xã hội; Các ý kiến trong phối hợp xây dựng nông thôn mới;…
Tại Hội nghị cũng diễn ra lễ chuyển giao đơn vị chủ nhà của Giao ban Công tác mặt trận tại cụm thi đua Đông Nam bộ năm 2016. Theo đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh Đồng Nai đã được Hội nghị chọn là đơn vị đăng cai vào năm sau.