Mỗi năm giảm từ 1-1,5% hộ nghèo là hợp lý
Theo ông Ngô Trường Thi- Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo: tốc độ giảm nghèo sắp tới sẽ không bằng 2011-2015 và mục tiêu đề xuất được Quốc hội, chính phủ chấp nhận 1 đến 1,5% là tương đối hợp lý. "Thực tế đánh giá giai đoạn vừa qua, chúng ta chỉ giảm 1,1-1,3% chứ không phải giảm 2%...".
Tiếp cận nghèo đa chiều sẽ giúp người dân có ý chí vươn lên.
Bắt đầu từ 1/1/2016 tới đây, Việt Nam sẽ chính thức triển khai các chính sách theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, một chính sách mới được kỳ vọng sẽ bảo đảm mức sống toàn diện hơn cho người dân trong 5 năm tới. Hiện nay, nhiều Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tích cực chuẩn bị để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Trường Thi- Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, tiếp cận người nghèo ở những giá trị đa chiều, sẽ kích thích ý chí thoát nghèo của người dân hơn là cơ chế cho và nhận như hiện nay.
PV:Thưa ông, khi chuyển sang tiếp cận nghèo đa chiều, người dân sẽ được thụ hưởng những gì?
Ông Ngô Trường Thi: Nếu chúng ta chỉ nhìn thu nhập của người dân hiện nay mà đánh giá nghèo hay không nghèo nhiều khi sẽ che lấp bản chất nghèo đúng nghĩa. Cùng một địa bàn, người được coi là nghèo thu nhập như nhau nhưng thực chất cuộc sống có thể khác nhau.
Tôi có thể ví dụ đồng bằng sông Cửu Long, đây không phải là địa bàn nghèo nhất mà đứng thứ ba, sau Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng. Nhưng nếu nhìn về khía cạnh thiếu hụt cuộc sống, Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực nghèo nhất, vì ở đó tỷ lệ bỏ học của trẻ em cao nhất, tỷ lệ nước sinh hoạt được thụ hưởng thấp nhất, giao thông khó khăn nhất.
Do vậy, muốn nâng cao đời sống người dân thông qua tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối xã hội cơ bản, việc chuyển đổi sang đo lường nghèo đa chiều là sự cần thiết.
Nhắc đến thu nhập, ngay cả dưới chuẩn nghèo, cũng có những sự chênh lệch khác nhau. Có người nghèo ngay sát chuẩn, có người nghèo rất xa với chuẩn nghèo, hay còn gọi là độ sâu của nghèo đói. Bản thân các hộ nghèo cũng muốn hỗ trợ như nhau. Có hộ muốn tiền, có hộ muốn con cái được hỗ trợ trong học hành, có hộ muốn nhà ở, hộ muốn bảo hiểm y tế, thông tin…
Vì vậy khi chúng ta chuyển sang đo lường nghèo đa chiều, vấn đề phân loại nhu cầu của hộ dân sẽ rõ ràng hơn, từ đó các cơ quan quản lý sẽ có những hoạch định chính sách sát với nhu cầu của người dân hơn.
Hiện nay ranh giới nghèo và cận nghèo rất mong manh. Vậy tới đây khi chuyển sang tiếp cận nghèo đa chiều, có thể kỳ vọng sớm đẩy lùi hoặc xóa hẳn tỉ lệ hộ tái nghèo, thưa ông?
- Đúng là ranh giới giữa nghèo và cận nghèo mong manh, kể cả khi có tăng chuẩn nghèo lên như hiện nay thì vẫn có sai lệch. Trong đo lường nghèo đa chiều, chúng tôi đã khắc phục được phần đó là ngoài vấn đề thu nhập, còn đo lường mức độ thiếu hụt các tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Nếu người dân thiếu hụt 3/10 chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản trở lên cộng với thu nhập dưới chuẩn mức sống tối thiểu, sẽ xác định vào nhóm hộ nghèo mới. Còn với mức thu nhập đó, dưới 3/10 chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, sẽ xác định là nhóm cận nghèo. Dưới nữa là nghèo.
Song, tôi vẫn phải nhấn mạnh, dù xác định ở mức nghèo nào, nếu không có sự công tâm của người trực tiếp thực hiện cũng như vai trò cộng đồng ở cơ sở không được phát huy, những hạn chế trước đây như giảm nghèo chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn cao, giảm nghèo chưa vững chắc, chính sách chồng chéo… vẫn sẽ nảy sinh. Công cụ tốt đến đâu, người thực hiện chưa tốt, kết quả sẽ không được như ý muốn.
Như vậy là cần sự minh bạch và công tâm trong quá trình thực hiện. Hay nói cách khác là cần có sự giám sát trong quá trình thực hiện giảm nghèo ở các địa phương?
- Đúng vậy, phải xác định trách nhiệm rõ ràng. Hiện nay, quyền công nhận mức độ nghèo sẽ thuộc thẩm quyền ủy ban cấp xã chứ không phải cộng đồng. Song, bên cạnh đó cần phải tăng cường vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể và kể người dân, phát huy vai trò dân chủ của người dân, công khai và minh bạch.
Qui trình sẽ là công khai danh sách đối tượng trước khi được đề xuất để công nhận. Điều này sẽ được niêm yết trong thời hạn tối thiểu 7 ngày làm việc, để mọi người dân có ý kiến. Những trường hợp người dân có ý kiến khiếu nại, cấp xã phải có trách nhiệm thành lập đoàn phúc tra qui trình đó, trả lời dân biết việc đó đúng hay là sai. Trong trường hợp thấy kết quả trên các địa bàn lệch nhau, không phù hợp với thực tế, ban chỉ đạo giảm nghèo các huyện phải kiểm tra lại kết quả. Tránh những trường hợp không phải hộ nghèo, nhưng vẫn nhận là nghèo để nhận hỗ trợ, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Thưa ông, mục tiêu của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh…), góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1- 1,5%. Liệu chúng ta có đủ cơ sở để thực hiện?
- Hiện nay, khả năng ngân sách có hạn, chính vì vậy phải đi từ thấp đến cao. Sau 5 năm thay đổi chuẩn nghèo, qui mô nghèo gần như quay trở lại giai đoạn 2011-2015. Với hướng đo lường nghèo đa chiều, chúng tôi đánh giá tốc độ giảm nghèo sắp tới sẽ không bằng 2011-2015 và mục tiêu chúng tôi đề xuất được Quốc hội, chính phủ chấp nhận 1 đến 1,5% là tương đối hợp lý. Thực tế đánh giá giai đoạn vừa qua, chúng ta chỉ giảm 1,1-1,3% chứ không phải giảm 2%, bởi vì chỉ số giá tiêu dùng không được cập nhật vào chuẩn nghèo.
Từ việc xác định này, cân đôi ngân sách sẽ tính toán hai khía cạnh. Một, các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo và cận nghèo. Hai, sẽ giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, có điều kiện. Nhưng có một nguyên tắc, tỉ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, nhu cầu ngân sách giảm theo. Do vậy, ngay những bước đầu, phải thực hiện giảm nghèo chắc chắn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt, chính sách về thu nhập sẽ là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Tổng mức vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện Chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-20120 sẽ vào khoảng 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 4.712 tỷ đồng.