Chọn người và dùng người
Làm sao chọn được lãnh đạo các cấp có tâm, có tài để phụng sự nhân dân, đưa đất nước phát triển? Trao đổi với ĐĐK, ông Trần Ngọc Vinh- Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng nhấn mạnh: Cần xem xét lại các chính sách, cách tuyển chọn người, cách dùng người, cách động viên và xử lý vi phạm thì mới được. Và để chọn được cán bộ tốt phải thông qua nhiều kênh tham khảo, trong đó ý kiến của nhân dân là rất quan trọng.
Ông Trần Ngọc Vinh.
PV: Thưa ông, lựa chọn nhân sự luôn được nhân dân và cử tri quan tâm. Làm sao chọn được người có đức có tài để phụng sự Tổ quốc như lời Hồ Chủ tịch căn dặn. Cá nhân ông có tâm tư mong muốn gì ở Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới?
Ông Trần Ngọc Vinh: Theo tôi, Trung ương đã chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả xin ý kiến đến các tổ chức cơ sở đảng và tổng hợp lên. Nhân sự làm từ dưới làm lên theo một quy trình rất chặt chẽ, cái mà chúng ta cần là người lãnh đạo có tâm có tầm để đưa đất nước phát triển về kinh tế, giữ vững độc lập chủ quyền, cuộc sống của người dân đi lên. Muốn làm gì thì làm chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Dân được gì? hưởng gì? đó là cái người dân rất quan tâm.
Nếu chúng ta cứ đề ra các chính sách mà cuộc sống của nhân dân không được đổi mới sẽ có chuyện phân tâm. Do vậy cần chọn được người có tài, có tâm, có tầm và giải quyết được những bức xúc xã hội, như tham nhũng, thái độ phục vụ của bộ máy cán bộ công chức đối với dân...
Cứ nói dân đến bộ phận một cửa nhưng có nhiều chỗ dân còn kêu ca lắm. Dân nói phải “bôi trơn” thì mọi việc mới chạy được. Cho nên tôi hy vọng nhiệm kỳ tới làm sao khắc phục được những vấn đề nổi cộm mà dân quan tâm.
Có ý kiến cho rằng chính sách đề ra là đúng nhưng nhiều việc không chạy. Vì sao, thưa ông
- Về mặt lý luận, lý thuyết và pháp luật thì chúng ta ban hành nhiều quy định, tôi thấy rằng như vậy là quá đầy đủ. Nhưng làm sao một số việc không chuyển? Theo tôi, cần xem lại chính sách mà ta đề ra có đúng không. Nếu xác định là đúng thì giờ phải tìm nguyên nhân tại sao, có thể do bố trí con người không đúng với việc đó. Thứ hai là cơ chế vận hành, sự phối kết hợp của các cấp, ngành chưa đồng bộ. Thứ ba là chế tài xử lý không nghiêm và không đủ mạnh để tạo sức răn đe. Phát hiện được nhưng chưa cương quyết loại bỏ những người thiếu phẩm chất, thiếu năng lực ra khỏi bộ máy công quyền.
Xung quanh vấn đề này, tôi nói ví dụ: Chọn được giống tốt, được gieo đúng đất tốt thì tốt, song cũng là giống tốt ấy mà gieo ở đất không phù hợp, đất cằn cỗi có khi nó chết chứ chưa nói nảy mầm mà xanh tốt được. Ở đây là vấn đề cách tuyển chọn người, cách dùng người, cách động viên và xử lý vi phạm thì mới được. Tức là phải làm đồng bộ.
Thứ nữa là việc nhận xét cán bộ phải có nhiều kênh, đặc biệt phải nghe ý kiến của nhân dân, và giám sát của nhân dân. Thực sự trong bộ máy có khi có người biết nhưng họ không dám nói vì bát cơm manh áo sợ bị trù dập, sợ bị chuyển công tác.
Như vậy kênh đánh giá của nhân dân là kênh quan trọng?
- Khi lấy phiếu, tỷ lệ phần trăm đánh giá của nhân dân bao nhiêu thì chúng ta phải công bố. Tôi chỉ sợ trong phạm vi điều chỉnh kênh đó chỉ là tham khảo chứ không quyết định. Cho nên cần công khai ý kiến nhân dân, và trong những ý kiến đó thì có bao nhiêu phần trăm ý kiến cần được xem xét để quyết định. Những nơi liên quan đến người dân về chính sách hay vấn đề cán bộ của phường xã thì cần để nhân dân nơi đó đánh giá. Tất nhiên chưa chắc số đông đã đúng, do vậy chúng ta cần nhiều kênh để đánh giá nhưng phải tin vào dân, bởi dân là sát nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng để phát huy dân chủ thì nhân sự của Đảng sắp tới nên có ý kiến của nhân dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Theo tôi người dân tham gia vào rất khó vì người dân phải tiếp xúc với người đó thì họ mới biết. Ví dụ tôi sống ở khu phố A thì người dân ở đấy họ sẽ nắm được hay thông qua thông tin đại chúng. Chứ dân không được tiếp xúc thì khó đánh giá. Bởi sát nhất vẫn là nơi người ta sống, học tập, làm việc với cán bộ đó.
Ông nghĩ sao về việc chúng ta nói nhiều đến trẻ hóa cán bộ nhưng ở một số nơi còn nặng tư tưởng coi thường cán bộ trẻ?
- Tôi xin nhấn mạnh rằng trẻ là về tuổi đời nhưng cũng phải trải qua các giai đoạn công tác, chứ không phải trẻ chỉ đi qua tráng men. Chưa qua cơ sở mà cho xuống phường mấy tháng, rồi lại cho lên quận mấy tháng, thì chưa đủ độ ngấm. Khi về thì bảo đủ tiêu chuẩn rồi nhưng thực tế lại không nắm được sâu cái gì cả. Cho nên tuổi trẻ nhưng phải đủ độ ngấm. Ví dụ làm nghề gì thì cũng phải trải qua 2-3 năm mới có nghề chứ không phải lướt qua là có thể làm được.
Trân trọng cảm ơn ông!