Siết kỷ luật ngân sách

H.Hương 14/12/2015 10:00

Câu chuyện kỷ cương tài chính  địa phương chưa nghiêm tiếp tục gây nóng khi một số nơi để xảy ra tình trạng  chi tiêu thiếu, nợ nần ngân sách. Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định - Quan điểm của Bộ đối với những trường hợp này là phải xử lý nghiêm.

Tại một cuộc họp về tái cơ cấu đầu tư công vừa diễn ra, chuyên gia kinh tế ông Huỳnh Thế Du đưa ra một trường hợp, tỉnh Sơn La - một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng. Đó chỉ là một trường hợp để minh họa cho câu chuyện đầu tư không hợp lý. Thêm nữa, gần đây nổi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ đồng từ một số địa phương. Lý do được đưa ra là, việc tập trung vào một đầu mối sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, giao dịch. Nhưng xem chừng như lý giải không hợp lý. Cũng trong quãng thời gian ngắn gần đây tình trạng các địa phương chi quá nhiều không có kế hoạch, trong khi nguồn thu hạn chế là rất đáng báo động.

Trong bảng nguồn thu của địa phương, để từ đó cân đối vào dự toán chi của mỗi cơ quan, đơn vị bao gồm các nguồn thu theo phân cấp hoặc được để lại chi theo chế độ quy định (nếu có) và nguồn ngân sách nhà nước bổ sung. Cũng trong dự toán ngân sách, thu cái gì, thu đươc bao nhiêu và chi như thế nào luôn được các cơ quan Nhà nước xây dựng và phê duyệt. Việc thâm hụt ngân sách đến mức không còn tiền trả lương cho cán bộ công chức có thể là do dự toán xây dựng chưa sát hoặc địa phương đó chưa tuân thủ chặt chẽ luật ngân sách.

Bên cạnh đó, đầu tư công không hiệu quả, phê duyệt dự án vội vàng, chưa có nguồn thu đã chi ra dẫn đến một số khoản chi vượt so với dự toán, xảy ra chênh lệch thu- chi. Hụt thu, ngân sách địa phương phải “gánh”, gánh không được, lại tạm ứng ngân sách, đây trở thành vòng luẩn quẩn khiến ngân sách nhiều địa phương thâm thủng sâu hơn.

Vấn đề kỷ luật ngân sách đang trở thành vấn đề nóng, vẫn theo ông Võ Thành Hưng: Khi phân bổ và sử dụng dự toán ngân sách được giao, các cơ quan đơn vị phải đảm bảo trong phạm vi tổng mức dự toán chi đã được giao và các nhiệm vụ chi lớn (đầu tư, thường xuyên). Đối với chi thường xuyên, khi phân bổ dự toán, trước hết cơ quan, đơn vị phải dành đảm bảo các khoản chi “cứng”, mang tính bắt buộc, như chi lương và các chế độ chính sách khác cho con người; tiếp đến là đảm bảo chi cho các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị đã cam kết như tiền điện, nước, văn phòng phẩm…, còn lại mới dành cho các khoản chi khác theo thứ tự ưu tiên trong phạm vi dự toán có thể cân đối được.

Như vậy việc ngân sách khó khăn có thể do nguyên ngân thu không đạt dự toán hoặc do chi tiêu vượt dự toán. Đối với các trường hợp địa phương không có thu hoặc có thu, nhưng ước đạt và vượt dự toán, nhưng vẫn xảy ra tình trạng chi tiêu thiếu, nợ nần ngân sách, thì chắc chắn là do kỷ luật kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Ông Hưng khẳng định, đối với các bộ, ngành, cơ quan trung ương khi thực hiện dự toán đều phải gửi cho cơ quan Bộ Tài chính để thẩm định. Chắc chắn trong quá trình thẩm định, phân bổ Bộ Tài chính đều đảm bảo trong dự toán. Còn trong thực tế, có thể có hiện tượng thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cam kết chi ngoài dự toán đối với các nhà thầu, nhà cung cấp…

“Quan điểm của Bộ Tài chính là phải đảm bảo nghiêm kỷ luật tài chính và thực tế các cam kết vượt dự toán chắc chắn cũng không được Kho bạc Nhà nước chấp thuận thanh toán” – ông Hưng nói.

Thực tế, từ khi Luật Ngân sách ra đời đã giao quyền tự chủ cho các địa phương. Ở địa phương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ thực hiện cấp ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, trong từng cấp ngân sách, kể cả cấp tỉnh, cấp xã thì các đơn vị ngân sách cũng được quyền tự chủ tương đối cao, vì khi được giao dự toán, họ có quyền sử dụng ngân sách trong dự toán của mình.

H.Hương