Nghề nguy hiểm
Vụ Thượng úy CSGT Nguyễn Quốc Đạt thuộc Đội 5, Phòng CSGT (PC67) Công an TP Hà Nội bị lái xe ngang nhiên húc thẳng vào người rồi kéo lê trên đường vừa qua là đỉnh điểm về hành vi chống người thi hành công vụ. Như vậy là chỉ trong vòng một tháng qua đã liên tiếp xảy ra các vụ lái xe hành hung, lao thẳng xe đâm vào cán bộ, chiến sĩ CSGT đang thi hành nhiệm vụ. Thực trạng trên đang gióng lên hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm đối với CSGT khi tuần tra, kiểm soát trên đường, đồng thời cũ
Trong con mắt của không ít người, hình ảnh lực lượng CSGT không được đẹp với các hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền mãi lộ.... Bởi thế, nhắc đến CSGT, họ luôn lắc đầu ngán ngẩm, ý rằng thôi đừng nhắc đến làm gì cho thêm rầu lòng. Song, có mấy ai hiểu được nỗi khó khăn vất vả, nhọc nhằn, thậm chí vô cùng nguy hiểm của cán bộ, chiến sĩ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường. Chẳng phải thời gian qua, tình trạng các lái xe nhờn luật, giỡn mặt lực lượng CSGT xảy ra thường xuyên, nếu không muốn nói là phổ biến hay sao?
Tất nhiên, không phải là không có hiện trạng một số cán bộ, chiến sĩ CSGT thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu lái xe, nhận tiền mãi lộ, chỉ nhăm nhăm để phạt các chủ phương tiện mà không coi trọng công tác điều tiết giao thông. Song, thực tế thì số CSGT nhũng nhiễu người dân để vòi vĩnh, nhận tiền mãi lộ, tệ hơn là hành hung người vi phạm giao thông không nhiều. Đó chỉ là thiểu số trong hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đang hàng ngày không quản ngại khó khăn vất vả, đảm bảo cho những tuyến đường trên mọi miền Tổ quốc được thông suốt.
Người ta thường kháo nhau chuyện phải bỏ tiền “mua” vị trí “đứng đường” trong lực lượng CSGT. Sở dĩ có dư luận trên chính vì thiểu số những cán bộ, chiến sĩ CSGT có những hành vi không đẹp gây ảnh hưởng tới toàn lực lượng. Từ những con sâu làm rầu nồi canh đó, dư luận đánh giá việc cán bộ, chiến sĩ CSGT điều tiết giao thông, tuần tra, kiểm soát trên đường sẽ nhanh chóng làm giàu. Xin thưa, cái sự hiểu như vậy là vô cùng lệch lạc, làm méo mó hình ảnh đẹp của đa số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT.
Giờ ra đường, bất kể trời nắng hay lạnh, bất kể đô thị hay nông thôn không phải đa số chúng ta đều phải bịt mặt để tránh bị rám nắng, tránh bị khô da mặt, tránh hít phải khói bụi đó sao? Vậy ta hãy thử hình dung ra các cán bộ, chiến sĩ CSGT vẫn ngày đêm miệt mài trên đường, chốt chặn tại những ngã ba, ngã tư nắng gắt, khói xe, bụi dày đặc trong không khí để phân luồng, để hướng dẫn giao thông tạo những tuyến đường thông suốt, giúp chúng ta đi lại dễ dàng thuận tiện hơn. Thử đặt vấn đề, liệu có ai trong chúng ta chấp nhận đánh đổi một công việc văn phòng có máy lạnh, quạt mát để ra đứng ngoài trời nắng, mưa, gió rét lạnh tê người và hút khói, bụi?
Việc không quản ngại gió, mưa, khói, bụi chỉ là việc nhỏ. Quan trọng hơn là tính mạng của các cán bộ, chiến sĩ CSGT luôn bị đe dọa, hiểm họa luôn tiềm ẩn. Chưa nói đến những chủ phương tiện giao thông cố tình hành hung, lao xe vào người cán bộ, chiến sĩ CSGT để trốn chạy. Chỉ đơn cử những người tham gia giao thông vô ý, phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, cướp đường cũng đã có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của các chiến sĩ lực lượng CSGT. Còn với những đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi bị phát hiện xử lý cố tình chạy trốn thì khỏi nói cũng biết tính mạng của lực lượng CSGT nguy hiểm đến thế nào.
Vài năm qua, cũng không phải là hiếm những chiến sĩ CSGT đã quên mình, cương quyết xử lý những lái xe vi phạm giao thông, gây hậu quả cho người và các phương tiện khác. Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT bị lái xe taxi gây tai nạn rồi tìm cách bỏ trốn, hất tung lên nắp ca pô, tha đi nhiều tuyến phố, có lái xe container ngang nhiên đánh đấm CSGT... không còn là hiếm trong cuộc sống hàng ngày nữa. CSGT đang là nghề nguy hiểm đó há không phải là những hình ảnh đẹp của một chiến sĩ công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ đó sao? Các anh sẵn sàng hy sinh thân mình kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm luật để được cái gì? Tăng lương chăng? Hay lĩnh thưởng? Thử hỏi có ai không biết quý giá mạng sống của mình chứ.
Điều đáng buồn là hiện chế tài đối với những hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại lực lượng CSGT, đang rất thiếu và yếu nên có không ít đối tượng nhờn luật. Không chỉ quá khó khăn vất vả trong công việc hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ CSGT còn hàng ngày phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập, có nguy cơ tước đi mạng sống của họ. Nhưng những cơ chế bảo vệ hữu hiệu lực lượng CSGT thì hầu như chưa có, hoặc nếu có thì cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, trấn áp các đối tượng vi phạm.
Đơn cử như việc dù được mang theo súng, nhưng đa số các cán bộ, chiến sĩ CSGT đều hạn chế tối đa việc sử dụng (trong trường hợp cần thiết) để bảo vệ tính mạng của mình, cũng như của những người tham gia giao thông trên đường. Bởi nếu sử dụng không khéo sẽ “lợi bất cập hại”, từ người thi hành công vụ trở thành nghi phạm sử dụng vũ khí trái pháp luật. Còn nữa, hiện chế tài chống người thi hành công vụ trong Bộ luật Hình sự có mức án khá nhẹ nên không đủ sức răn đe, trấn áp những lái xe đã, đang và sẽ có ý định đe dọa tính mạng của lực lượng CSGT.
Trước thực trạng ngày càng nhiều lái xe không còn biết tôn trọng pháp luật, ngổ ngáo, ngang nhiên hành hung, điều khiển phương tiện đâm thẳng vào CSGT để bỏ chạy, dư luận cho rằng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ lực lượng CSGT, tăng nặng khung hình phạt đối với hành vi chống lại CSGT. Thậm chí nếu cần thiết, có thể truy tố lái xe có hành vi điều khiển phương tiện lao thẳng vào CSGT đe dọa tính mạng của cán bộ, chiến sĩ thi hành công vụ tội giết người. Có vậy mới hạn chế được mối nguy hiểm thường trực đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT.