Sau thỏa thuận lịch sử COP21: Có gì đáng chú ý?
Sau hơn 4 năm đàm phán căng thẳng, đại biểu của gần 200 quốc gia trên thế giới đã ký kết được một thỏa thuận chung tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu-COP21 tổ chức tại thủ đô Paris của nước Pháp.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố Thỏa thuận được ký kết tại COP21.
(Nguồn: Liberation).
“Chỉ bằng một cái búa nhỏ, chúng ta có thể mang lại những điều lớn lao”- Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu trong lúc đóng dấu đồng thuận, chấm dứt hai tuần đàm phán căng thẳng tại Diễn đàn thượng đỉnh COP21 ở Paris.
Tuy rằng được hoan nghênh như một cột mốc trong cuộc chiến chống lại những ảnh hưởng tàn khốc mà hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu có thể mang đến cho nhân loại, nhưng giới phân tích cho rằng Thỏa thuận nói trên vẫn còn thiếu rành mạch, ví dụ như làm thế nào để kế hoạch có thể được thực thi một cách nghiêm túc, hay các bước cải thiện sẽ được đánh giá ra sao.
Một luồng ý kiến khác cho rằng, chỉ riêng việc ký kết thỏa thuận mới đã được coi là đạt được một mục tiêu lớn. Nó sẽ hạn chế mức nhiệt độ gia tăng trên toàn cầu ở 2 độ C, và thúc đẩy nỗ lực các nước để đạt mức giới hạn 1,5 độ C nếu có thể.
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ
Thỏa thuận lịch sử này, tuy nhiên, lại không đưa ra được chính xác mức giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà mỗi nước cần phải thực thi. Thay vào đó, nó tạo nên một hệ thống mà trong đó mỗi nước tự đặt ra mục tiêu giảm thải riêng của họ- cơ chế mà Thỏa thuận này gọi là “đóng góp tự quốc gia quyết định”- và sau đó mỗi nước cần phải đưa ra kế hoạch chi tiết làm sao để đạt được mục tiêu đó. Và mức giảm thải mà mỗi nước cam kết cần phải tăng dần theo thời gian, và bắt đầu từ năm 2018, mỗi nước sẽ cần phải đệ trình một bản kế hoạch mới cho mỗi 5 năm.
Rất nhiều quốc gia trên thực tế đã đưa ra kế hoạch của mình từ trước khi Hội nghị COP21 được tổ chức, bắt đầu từ tháng trước- tuy nhiên các cam kết này là chưa đủ để giữ mức tăng nhiệt độ giới hạn ở 2 độ C. Các bên hy vọng rằng, theo thời gian, các nước sẽ nhắm đến các mục tiêu giảm thải tham vọng hơn, và làm đúng theo cam kết đó.
Một khúc mắc mà thỏa thuận này không thể giải quyết được, chính là cách thức trừng phạt các quốc gia không thực hiện đúng cam kết. Giới quan sát còn cho hay, vấn đề này chưa bao giờ xuất hiện trên bàn nghị sự ở COP21. Thay vào đó, Thỏa thuận kêu gọi thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia để đánh giá các bước thực thi và thúc đẩy việc làm theo thỏa thuận, dù không có quyền lực để trừng phạt những bên làm sai.
Mặt khác, theo các nhà quan sát, dù cho khoản tiền bồi thường có được chi trả cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu dù không có hành động gì khiến mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng hay không. Thỏa thuận này kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ khoản tiền ít nhất là 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển. Điều này đã khiến các thành viên thuộc một số tổ chức hoạt động vì môi trường và khoa học tỏ ra lạc quan theo nhiều mức độ khác nhau.
Điều gì xảy ra?
Dù cho Thỏa thuận đã được ký kết, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm trước khi nó thực sự đi vào hiệu lực. Thỏa thuận này được chấp nhận dựa trên “sự nhất trí chung” của các vị Ngoại trưởng trong vòng họp cuối ở Paris. Điều này có nghĩa là, chưa hẳn 196 quốc gia tham gia ký kết sẽ thông qua nó.
Mỗi quốc gia riêng biệt sẽ cần phải thông qua Thỏa thuận này. Thêm vào đó, Thỏa thuận này cũng không thể đi vào hiệu lực khi chưa được ít nhất 55 quốc gia phê chuẩn, trong khi các quốc gia này chiếm tới 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới. Điều này có nghĩa là, nếu các quốc gia xả thải lớn nhất thế giới không thông qua thỏa thuận này, việc thực thi nó có thể là một thách thức lớn.
Ví dụ như Trung Quốc và Mỹ, lần lượt có mức xả thải chiếm 24% và 14% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Như thế giới từng chứng kiến trước đây, khi Mỹ rút lại sự ủng hộ của họ đối với các biện pháp đối phó biến đổi khí hậu sau khi ký kết Nghị định thư Kyoto hồi năm 1997. Lúc bấy giờ, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã ký kết thỏa thuận, nhưng sau đó không trình lên Thượng viện để phê chuẩn.
Những rủi ro khó tránh
Giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2 độ C chính là mục tiêu chủ chốt của COP21, nhưng để đạt được mức hạn chế này không phải là việc đơn giản, theo giới khoa học.
Một khi thất bại trong việc giữ mức tăng nhiệt độ ở 2 độ C, thế giới sẽ chứng kiến những hậu quả tàn khốc từ biến đổi khí hậu: Các đợt siêu hạn hán, hiện tượng El Nino thường xuyên hơn, sự tuyệt chủng của một số loài động vật và thực vật, lũ lụt bất thường và mức nước biển gia tăng khiến cho nhiều vùng đất và đảo bị xóa sổ…
Ngoài ra, giới khoa học và chuyên gia chính sách nói rằng, để đạt được mức giới hạn 2 độ C thì thế giới cần phải loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2050 cho đến cuối thế kỷ. Và để đạt mức tham vọng hơn, 1,5 độ C, thế giới sẽ cần phải giảm hoàn toàn lượng khí thải trong khoảng từ năm 2030 đến 2050.