Vấn đề cũ trong tình huống mới
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng và Nhà nước giao làm công tác dân tộc chủ yếu là bảo đảm tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta để góp phần ổn định và phát triển đất nước. Ở thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới cả nhận thức, nội dung và phương pháp công tác dân tộc. Việc đổi mới đó phải phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
* Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm UBDT Trung ương
Bộ mặt vùng dân tộc và miền núi hiện nay có thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt,… Nhưng vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất; ở đây có trình độ phát triển không đều, có khoảng cách chênh lệch về nhiều mặt, rõ nhất là làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, đói nghèo cao, dân trí thấp, cán bộ dân tộc thiểu số ít, văn hóa dân tộc bị mai một… Nguyên nhân đó có cả khách quan, nhưng chủ yếu là chủ quan của ta. Nhận thức về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sắc, chưa toàn diện; việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều khuyết điểm.
Đã có ý kiến cho rằng, “dân tộc là vấn đề cũ, đã giải quyết xong ”, nên không thấy “vấn đề cũ” trong tình huống mới. Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc đúng là vấn đề cũ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói : “Chúng ta phải coi trọng vấn đề dân tộc. Có thể 100 năm sau sẽ hết giai cấp, nhưng dân tộc thì vẫn còn”. Đúng là Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết xong độc lập, tự do cho đồng bào các dân tộc; song còn phải phấn đấu cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sự nghiệp bình đẳng, đoàn kết, tiến bộ của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam ta.
Hiện đang có một số yếu tố mới tác động đến các dân tộc phải được nhìn nhận đúng và giải quyết tốt. Khi nói công tác dân tộc hay đoàn kết các dân tộc ở đây không chỉ có các dân tộc thiểu số với nhau, mà bao gồm cả dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đoàn kết các dân tộc thì dân tộc đa số có vai trò trung tâm, có ý nghĩa quyết định. Dân tộc đa số sống xen kẽ với các dân tộc thiểu số. Các dân tộc ta sống ở trong nước và ở ngoài nước đều có mối quan hệ với nhau, tác động lẫn nhau. Đặc biệt là các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển so với trước tháng 8/1945, nhất là đội ngũ cán bộ, trí thức, người tiêu biểu đã hình thành mang tính chất đại diện cho dân tộc mình, làm cho các dân tộc có ý thức rõ về vị trí, vai trò và trách nhiệm của dân tộc mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi có sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, cơ chế thị trường, phân hóa giàu nghèo, bùng nổ thông tin, mở rộng giao lưu, đồng bào các dân tộc ở nơi xa và khó nhất vẫn có điều kiện so sánh cảnh ngộ dân tộc mình với các dân tộc khác, với đồng tộc và thân tộc ở trong và ngoài nước, nên đang có nhiều suy tư, lo lắng, buồn phiền về sự phát triển chậm của dân tộc mình.
Ở vùng dân tộc cũng như cả nước, vừa có thời cơ và thuận lợi, vừa có nguy cơ và thách thức, cơ hội đan xen thách thức. Đặc biệt là, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, khó khăn và khuyết điểm của ta để thực hiện “diễn biến hòa bình ”, chia rẽ dân tộc và ly khai, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá cách mạng nước ta. Sự bùng nổ xung đột dân tộc trên thế giới vừa đem lại bài học kinh nghiệm, vừa đem lại tâm lý băn khoăn, làm đảo lộn nhiều nếp nghĩ về vấn đề dân tộc, hiện đáng lưu ý là, ở một số vùng và một số dân tộc đang tiềm ẩn những yếu tố bất hòa và bất ổn, có “điểm nóng”.
Nếu chậm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các vùng và các dân tộc, nhất là đời sống và cán bộ dân tộc, văn hóa dân tộc thì sẽ làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước ta; để khoảng cách giàu – nghèo quá lớn, không có cách giải quyết tốt “điểm nóng” thì sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột xã hội, gây bùng nổ dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội... Khi nào, ở đâu chưa có bình đẳng thực sự thì khó có đoàn kết thực sự.
Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhưng truyền thống đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp cả. Bởi vì vẫn còn những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc, như : Do lịch sử để lại chưa khắc phục được, Do có những sai sót của chúng ta trong thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải góp phần tìm cách khắc phục, giải quyết những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc, … Đó là những lý do đặt ra phải đổi mới công tác dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chỉ có đổi mới thì mới có đoàn kết thực sự.
Mặc dù đã quan tâm nắm dân, biết tâm tư nguyện vọng của dân; nhưng vẫn còn quan liêu, xa dân, chưa thường xuyên nắm được lòng dân. Bác Hồ đã dạy : “nắm chắc lòng dân từng giây, từng phút”. Phải thường xuyên nắm dân vì, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”; muốn tập hợp, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc thật rộng rãi và vững chắc thì phải nắm được dân. Nếu không thì sẽ mất dân, không làm được vai trò đó.
Thời đổi mới, dân tộc ta vẫn phải thuộc lòng bài học lịch sử đã dạy như Bác Hồ nói: “Sử ta dạy cho ta bài học này : Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Chỉ khi nào mọi người thông suốt bài học đó, hiểu rõ sức mạnh đoàn kết quyết định sinh mệnh của bản thân và đất nước thì họ mới tự nguyện đoàn kết, mới đề cao nghĩa vụ đoàn kết, Đảng ta mới có nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta.
Nếu như trong nội bộ một số dân tộc, giữa các dân tộc vẫn còn những bất hòa, thiếu đoàn kết nhất trí thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đi thực tế tìm rõ sự việc và nguyên nhân, giải quyết những bất hòa cho “thấu tình, đạt lý”. Hãy vì mục tiêu chung, bình đẳng và đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ mà khuyên nhau nhân nhượng, gác lại quá khứ, xóa bỏ bất hòa, hướng tới tương lai. Ai lầm lỗi đã qua giáo dục và cảm hóa nhiều lần mà không tranh thủ và đoàn kết được, vẫn cố tình chống phá, phạm pháp, gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý nghiêm minh.
Hiện nay, niềm tin của dân với Đảng, với Nhà nước và chế độ ta chưa vững chắc, vẫn còn biểu hiện ảnh hưởng đến đồng thuận xã hội,… Để dân tin Đảng, Nhà nước và chế độ ta, chúng ta phải “lấy dân làm gốc”, phải tin ở dân như Bác Hồ nói: “Ai cũng có ít hay nhiều tấm lòng ái quốc” tiềm ẩn bên trong, phải dựa vào dân, làm việc gì đó vì dân thì dân mới tin. Nếu ai đó làm cho dân nghi ngờ, để mất niềm tin là mất hết.
Niềm tin đó lại bắt nguồn từ lợi ích. Giải quyết vấn đề dân tộc, thực chất và cốt lõi là vấn đề lợi ích. Ngày nay, ngoài lợi ích chung “giữ vững hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc, mỗi tầng lớp nhân dân trong xã hội có sự khác nhau về lợi ích riêng, rất đa dạng và phức tạp. Để giải quyết vấn đề đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các nguyên tắc chính sách dân tộc và có các cơ chế, chính sách cụ thể về các mặt của cuộc sống xã hội tác động đến các dân tộc.
Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thực hiện tốt chức năng “giám sát và phản biện xã hội” trong quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách dân tộc và việc thực hiện chính sách đó. Qua khảo sát, nghiên cứu, nắm tình hình mà rà soát lại một số chủ trương, cơ chế và chính sách đang hiện hành, phát hiện điều gì lỗi thời, không hợp lòng dân, không sát thực tiễn, trái các nguyên tắc chính sách dân tộc, cản trở các dân tộc phát triển và đoàn kết các dân tộc? Trên cơ sở đó, có kiến nghị xóa bỏ, sửa lại, bổ sung, đổi mới về chủ trương và giải pháp, cơ chế và chính sách cụ thể tác động đến các dân tộc, có tính khả thi và đem lại hiệu quả. Và, phải gắn làm sao cho chính sách mặt trận và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta có tác động thúc đẩy lẫn nhau; bởi vì chỉ khi nào bảo đảm thực sự bình đẳng các dân tộc thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới bền vững.
Xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán. Đây là việc làm có ý nghĩa quyết định, là “cái gốc của mọi công việc”, muốn việc thành công hay thất bại ở vùng dân tộc đều do cán bộ và đảng viên dân tộc – người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém. Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng nói: “ Thực chất của chính sách dân tộc là vấn đề cán bộ dân tộc và phải có đội ngũ cán bộ của các dân tộc để có người tự đảm đương sự nghiệp xây dựng đời sống mới xã hội chủ nghĩa về kinh tế, văn hóa của các dân tộc mình, không có đội ngũ cán bộ dân tộc để làm việc đó thì khó có ai làm thay. Dẫu có người làm thay cũng chưa chắc đã làm tốt hơn họ”.
Thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải chú trọng hai việc : Một là, làm tốt lựa chọn, hiệp thương giới thiệu đại biểu là người các dân tộc tham chính ở các cấp và các ngành có số lượng và chất lượng đúng mức, thể hiện bình đẳng về chính trị. Hai là, biết “chiêu hiền đãi sĩ”, dựa vào đồng bào các dân tộc để tuyển chọn, xây dựng cho từng dân tộc một số cán bộ và đảng viên cốt cán, những người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc, đúng là cán bộ của dân, do dân, vì dân tộc, có phẩm chất và năng lực, được dân tín nhiệm; đáp ứng được sự mong muốn của đồng bào các dân tộc là “nhỏ như con ong, con kiến cũng có con đầu đàn của nó, huống chi là con người” …
Đã có ý kiến cho rằng, “ dân tộc là vấn đề cũ, đã giải quyết xong ”, nên không thấy “ vấn đề cũ ” trong tình huống mới. Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc đúng là vấn đề cũ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói : “Chúng ta phải coi trọng vấn đề dân tộc. Có thể 100 năm sau sẽ hết giai cấp, nhưng dân tộc thì vẫn còn ”. Đúng là Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết xong độc lập, tự do cho đồng bào các dân tộc; song còn phải phấn đấu cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sự nghiệp bình đẳng, đoàn kết, tiến bộ của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam ta.