Những bông hoa trong rừng hoa đẹp
Họ là 3 trong số 102 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Những câu chuyện của họ thu hút mọi người bởi nó toát lên niềm tin và khát vọng cống hiến.
Từ “bị điện giật vì ước mơ” đến niềm vui tràn ngập
TS Nguyễn Bá Hải.
TS Nguyễn Bá Hải- giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã gặp những thất bại trong 8 phiên bản nghiên cứu mắt thần cho người khiếm thị trong nhiều năm, cũng như từng rớt từ độ cao 3m vì điện giật khi đi hàn điện thuê kiếm tiền để học để theo đuổi ước mơ.
Từng cô đơn trong nhiều cái Tết Nguyên đán không một lần về thăm quê chỉ vì dành trọn thời gian cho nghiên cứu nơi đất khách quê người giữa những mùa đông đầy tuyết trắng, đã thôi thúc trong anh những trăn trở suy nghĩ vì mỗi ngày đi học phải tốn 200 đồng gửi xe đạp vì kinh tế quá khó khăn, bán sách báo, đồng hồ mắt kính dạo khi còn là sinh viên và bị xã hội đen đe dọa đâm kim tiêm dính máu hay trấn lột.
Anh Hải còn nhớ như in những ngày theo đuổi ước mơ “Dự án Robot” khi phải bán đi chiếc xe Matiz cũ duy nhất còn niên hạn sử dụng vừa phục vụ nghiên cứu vừa phục vụ đi lại để đầu tư mua linh kiện cho robot. Anh xúc động nói: “Tất cả những việc chúng tôi làm tuy còn rất nhỏ với kết quả khiêm tốn, nhưng đó là tất cả tấm lòng mà chúng tôi mong muốn gửi gắm vào cuộc sống này. Nếu có một lựa chọn cho ngày hôm nay tôi sẽ tiếp tục chọn con đường trên nền tảng tình yêu thương ấy”.
“Đến ngày hôm nay, thông qua Trung ương Đoàn và đoàn cơ sở ở các tỉnh thành cùng những mạnh thường quân, chúng tôi đã trao tặng người khiếm thị gần 1.000 thiết bị dẫn đường ở hơn 10 tỉnh thành tại Việt Nam và một số nước khác, giúp cuộc sống của những người khiếm thị nghèo di chuyển an toàn, tiện lợi và hòa nhập vào cuộc sống tốt hơn, đặc biệt may mắn khi gần đây dự án được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp mặt nhà khoa học trẻ đã tiếp tục tiếp thêm động lực để những đam mê sáng tạo được tiếp tục phát triển và từng bước chập chững áp dụng trong cuộc sống”- anh Hải chia sẻ.
Dù phải hy sinh vẫn quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia
Đại tá Vũ Công Sơn.
“Chúng ta đang sống trong một đất nước hòa bình và phát triển, nhưng “biên giới mềm” trên biển của Tổ quốc luôn bị các thế lực nhòm ngó và xâm phạm, vì vậy những người chiến sĩ Hải quân chúng tôi luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường trước những diễn biến phức tạp, những tình huống hiểm nguy trên các vùng biển đảo”- đó là tâm sự gan ruột của Đại tá Vũ Công Sơn- Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân, Bộ Quốc phòng. Đại tá Sơn cũng là một trong số những người được tôn vinh Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Ông còn nhớ mãi sự kiện 14//-1988, khi 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, nằm lại với biển khơi, trong lòng đất mẹ, để cùng với cả nước quyết tâm giữ vững các đảo được giải phóng năm 1975 và đóng giữ, quản lý 21 đảo với 33 điểm đóng quân và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong thế trận kiên cố, liên hoàn, vững chắc như ngày nay.
Hôm nay, Đại tá Sơn cùng đồng đội không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, khu vực biển được phân công; bảo đảm an toàn, an ninh căn cứ Cam Ranh trong mọi tình huống. Theo Đại tá Sơn, đến nay tỷ lệ tàu thuyền đánh cá của ngư dân và các lực lượng của ta đã chiếm ưu thế trên các khu vực biển, đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ đánh bắt, vừa tham gia đấu tranh, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
“4 cùng” để vận động nhân dân
Đại úy Sằn A Phật.
Một bông hoa khác được vinh danh Chiến sĩ thi đua toàn quốc chính là Đại úy Sằn A Phật, Phó Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Đại úy Phật nói được 4 thứ tiếng Tày, Hoa, Sán chỉ và Dao. Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2007, được phân công trở về quê hương công tác, anh cảm thấy thật vinh dự nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề khi huyện Tiên Yên có 9 dân tộc thiểu số, với 5.464 hộ, chiếm 51,2% dân số toàn huyện và sinh sống rải rác ở 85 thôn, khe, bản, cùng với nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, những hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Trải qua 7 năm công tác, Đại úy Phật đã quản lý trên 40 thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số. “Tôi đã tranh thủ mọi thời gian và quyết tâm học tiếng dân tộc, với nhận thức, nếu biết tiếng nói của bà con sẽ dễ dàng, thuận lợi trong quan hệ tiếp xúc, tạo tâm lý gần gũi với bà con, từ đó có thể làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động”- anh cho biết.
“Tôi không coi những việc làm trên là thành tích hay chiến công, tôi chỉ biết đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an và tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi mà cũng giống như công việc của những người chiến sỹ khác cũng đang ngày đêm bám bản, bám làng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con, cùng giúp đỡ bà con từng việc làm nhỏ tháng ngày để góp phần cho bà con có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc” - Đại úy Sằn A Phật bộc bạch.