Cải cách hành chính thuế và hải quan: Thoát 'đội sổ'
“Vài năm trước, lĩnh vực thuế và hải quan của Việt Nam “đội sổ” trong ASEAN, là một trong hai điểm nóng nhất của môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Bộ Tài chính, hai điểm nóng nay lại tiên phong trong cải cách hành chính”. Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp về những kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Tổng cục Thuế đã rà soát, đơn giản hóa và đề xuất bãi bỏ 77/443 thủ tục thuế.
Doanh nghiệp không còn ngần ngại với thủ tục
Kết quả giám sát trong lĩnh vực thuế và hải quan do UBTƯMTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức cho thấy, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP và gần 1 năm triển khai Nghị quyết 19/2015/NQ-CP, Bộ Tài chính đã có những giải pháp cơ bản, đồng bộ trong việc chỉ đạo ngành thuế và hải quan chủ động, tích cực, nỗ lực để tự đổi mới mình, cũng như thực hiện tối đa những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết.
Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Bùi Văn Nam cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được Tổng cục thuế xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành. Tổng Cục thuế đã ban hành 8 nhóm giải pháp và 7 hành động cụ thể, trong đó có đẩy mạnh thủ tục hành chính, tăng cường quản lý thuế, đảm bảo kỷ cương của toàn ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo Tổng cục thuế tính đến tháng 6/2015 cơ quan này đã rà soát, đơn giản hóa và đề xuất bãi bỏ 77/443 TTHC thuế, trong đó có 12 thủ tục liên quan đến nhóm TTHC giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, 14 thủ tục quy định tại các Thông tư số 170/2011/TT-BTC, Thông tư số 52/2011/TT-BTC và Thông tư số 58/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, 34 thủ tục liên quan đến nhóm TTHC về hóa đơn, biên lai, tem rượu và 17 TTHC thuế khác…
“Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin 98% số doanh nghiệp triển khai kê khai thuế điện tử, 82,7% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử với hơn 553.000 giao dịch điện tử thành công” – ông Nam thông tin.
Trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan đã rà soát và bãi bỏ 17 TTHC, đơn giản hóa 46 thủ tục. Tổng cục Hải quan cũng đã rà soát và chuẩn hóa Bộ TTHC lĩnh vực hải quan, gồm: 23 thủ tục mới, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục, giữ nguyên 13 thủ tục. Thực hiện rà soát đối với 4 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu. Đề xuất phương án đơn giản hóa đối với 11 thủ tục hành chính liên quan đến quản lý biên giới trong xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển và cửa khẩu biên giới đất liền thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Hải Giang cho biết, lâu nay phần lớn HTX né tránh hải quan và thuế vì sợ thủ tục phiền hà. Nhiều HTX ủy quyền cho DN chuyên ngành làm giúp chứ họ không muốn trực tiếp tiếp xúc với thuế, hải quan. “Việc cải cách thuế, hải quan trong thời gian qua đã đem lại niềm tin cho các HTX và họ không còn ngần ngại với thủ tục nữa.” ông Giang chia sẻ.
Coi doanh nghiệp là đối tác chiến lược
Tuy nhiên, Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn thông tin, kết quả khảo sát 180 các tổ chức là đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc do VCCI thực hiện cho thấy, chỉ có khoảng 20% các đơn vị tham gia khảo sát cho rằng, các cán bộ, công chức ở ngành Thuế và Hải quan đã lắng nghe ý kiến của khách hàng khi giải quyết thủ tục hành chính. 80% còn lại chỉ ra rằng, kỹ năng, trình độ giao tiếp với doanh nghiệp của cán bộ, công chức ở nhiều nơi cũng chưa đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Tình trạng doanh nghiệp phải “lót tay” cho cán bộ thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã. 55% đơn vị bày tỏ đồng tình quan điểm nếu không “chi thêm”, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử. 85% các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết khi không chi các khoản “lót tay”, doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, bị kéo dài thời gian làm thủ tục.
Tương tự như ngành thuế, các hiệp hội và liên minh HTX cũng bày tỏ những quan ngại về tình trạng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ hải quan. 64% đồng tình sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi “lót tay” qua việc bị kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu bổ sung giải trình các chứng từ…
Từ thực trạng này, Ban chỉ đạo Chương trình giám sát kiến nghị ngành thuế, hải quan phải lắng nghe nghiêm túc góp ý của người dân, DN. Coi người dân và DN là đối tác chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu của đất nước.
Cùng với đó chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức, nêu cao tinh thần phục vụ DN, người dân, xây dựng hình ảnh cán bộ thuế văn minh, lực lượng hải quan hiện đại, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và tác phong ứng xử trong ngành tài chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Ban chỉ đạo chương trình giám sát cũng đề nghị cộng đồng DN cần mạnh dạn phát hiện, kiến nghị về những trường hợp sai phạm, những người có hành vi nhũng nhiễu, hạch sách, tiêu cực góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức ngành thuế, hải quan.