Xin lỗi cần chân thật
Gần đây dư luận cả nước chứng kiến nhiều vụ cơ quan nhà nước tổ chức xin lỗi một số người dân bị oan sai. Không chỉ có oan sai trong tố tụng mới được xin lỗi mà một doanh nghiệp bị nhân viên một đơn vị phòng cháy chữa cháy cấp quận sách nhiễu, vòi vĩnh cũng được đơn vị đến xin lỗi, dù trường hợp này pháp luật chưa có quy định.
TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén.
Việc cơ quan nhà nước xin lỗi người dân bị oan sai là một chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ trong quá trình thực hành Nhà nước pháp quyền, phù hợp với tinh thần dân chủ hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Những vụ việc oan sai được làm sáng tỏ, nhanh chóng được khắc phục kịp thời vừa qua, đã gây được tiếng vang tốt trong dư luận, làm vơi bớt nỗi khổ oan sai của người trong cuộc.
Tuy nhiên, xung quanh chuyện cơ quan công quyền xin lỗi người dân bị oan sai còn có điều để góp ý trong tinh thần nâng cao chất lượng của việc xin lỗi, với mong muốn chính đáng của xã hội về phòng tránh gây oan sai. Xin lỗi là hành vi bình thường trong văn hóa ứng xử đời thường. Nhưng vấn đề xin lỗi trong hoạt động công vụ gây oan sai vẫn còn khá mới mẻ khiến dư luận còn chút e ngại về sự thật lòng của cơ quan gây oan sai. Sẽ mất đi ý nghĩa tốt đẹp nếu tổ chức xin lỗi chỉ đơn giản là thực hiện quy định của luật pháp một cách đơn thuần, duy lý.
Trong vụ xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận, một luật sư đã phát biểu: “Nếu tôi là lãnh đạo TAND tỉnh Bình Thuận, sau khi buổi xin lỗi công khai kết thúc tôi sẽ ngồi lại với gia đình ông Nén để chia sẻ thêm. Việc ngồi lại chia sẻ với nhau tại nhà, tại trụ sở thì pháp luật không có quy định, nhưng là điều nên làm để xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải chịu”. Điều ấy thật đáng suy ngẫm.
Thật vậy, bên cạnh luật pháp thiên về lý trí còn có truyền thống dân tộc về lòng nhân ái đối với người bị hàm oan với những mất mát quá lớn gây ra cho họ. Cơ quan có trách nhiệm chia sẻ thật lòng với những thiệt hại tinh thần và vật chất đối với người bị oan sai chính là một nét đẹp trong đạo lý dân tộc. Sự thật lòng trong khi xin lỗi là cách thể hiện tình cảm này, nhất là khi chính mình gây ra oan sai.
Ngoài ra, trong quá trình lật lại vụ án rất cần sự chuyên nghiệp, tính trung thực, thận trọng cũng như lòng nhân đạo để đưa một người thoát khỏi oan sai, trả cho họ cũng như gia đình họ danh dự và cuộc sống bình an. Và lời xin lỗi chân thật là một đảm bảo cho người trong cuộc yên tâm không phải thấp thỏm về những rắc rối vô cớ khác kể từ sau khi được xin lỗi. Người bị oan rất sẵn lòng quên chuyện quá khứ nhưng họ rất cần được đảm bảo về tương lai.
Ba cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận là Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đã tổ chức xin lỗi công khai “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Có ý kiến rằng giá như người trực tiếp gây ra oan sai nên có mặt trong buổi xin lỗi thì, đã tăng thêm trọng lượng lời xin lỗi.
Không nên quá lo ngại phản ứng bất lợi của người bị oan sai vì một khi đã chấp nhận cuộc xin lỗi của cơ quan hữu quan thì người bị oan dù có khổ đau cũng đã ổn định về tâm lý. Người Việt mình rất rộng lòng trong trường hợp này.
Qua những vụ xin lỗi oan sai, các cơ quan nhà nước càng nhận diện rõ những hệ lụy vô cùng lớn, càng thấy rõ sự cần quan tâm hơn nữa đến chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của nhân viên công quyền để từ hạn chế đến chấm dứt hẳn oan sai. Đó mới thực sự là mục đích lớn mà hoạt động của bộ máy sử dụng quyền lực nhà nước cần đạt tới, rút bài học qua việc xin lỗi dân.
Vụ lãnh đạo một đơn vị PCCC tại TP Hồ Chí Minh đến doanh nghiệp xin lỗi việc vòi vĩnh của nhân viên chính là giải pháp ngăn chặn từ xa đối với những thiệt thòi mà người dân có thể phải chịu, đồng thời cũng chứng tỏ nỗ lực làm cho bộ máy trong sạch.
Có thể nói, trong những vụ oan sai có yếu tố bồi thường vật chất, thiết nghĩ cần làm nhanh gọn và đúng quy định pháp luật thay vì kéo dài thời gian, quá dè dặt trong quyết định tiền bồi thường. Người oan sai vốn đã chịu nhiều mất mát, thiệt thòi quá lớn và quá lâu, họ rất mong được nhanh chóng khép lại quá khứ để tổ chức lại cuộc sống.
Và, thực ra vật chất cũng chỉ là định lượng chưa thể nào hàn gắn hết được vết thương tâm lý tinh thần vừa định lượng lẫn định tính không chỉ của người bị oan sai mà còn của ngay cả những thân quanh họ.