Báo động tình trạng thiếu kiểm soát thực phẩm ở Thanh Hóa - Bài II: Lúng túng xử lý
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lên tới mức báo động. Tại kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI vừa diễn ra cách đây ít ngày, ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã phải giải trình, trả lời chất vấn. Qua đó cho thấy, ngành chức năng; chủ trì là ngành NN&PTNT Thanh Hóa đã ban hành rất nhiều các loại văn bản; thực hiện hàng chục cuộc thanh, kiểm tra nhưng hiệu quả mang lại không cao, bộc lộ sự lúng túng.
2 sào đậu cô-ve chỉ còn 2 ngày nữa thu hoạch nhưng vẫn được phun thuốc diệt sâu.
Làm chưa hiệu quả
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Tính từ năm 2012 đến nay, Sở này đã ban hành tới 21 loại văn bản khác nhau về việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn xử lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra nhưng hầu như… không phát hiện vấn đề gì.
Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, qua 4 năm chỉ tiến hành 8 đợt kiểm tra tại 306 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi với 625 mẫu. Song duy nhất chỉ có năm 2014 phát hiện, tại một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) có chứa chất cấm salbutamol, xử phạt 80 triệu đồng, tiêu hủy 8,1 tấn TACN, đình chỉ kinh doanh 3 tháng đối với cơ sở này. Qua báo cáo cho thấy, Sở NNPTNT Thanh Hóa đã “khéo léo” che chắn cho đối tượng vi phạm nên không nêu tên cụ thể.
Trong khi, Cty CP nông sản Phú Gia (KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa) được lấy một mẫu TACN có chứa chất cấm salbutamol nhưng hàm lượng nhỏ hơn giới hạn cho phép thì được nêu tên.
Chưa dừng lại, cũng trong 4 năm (2012-2015), thông qua dự án Lifsap, ngành NN&PTNT Thanh Hóa lấy 120 mẫu TACN cho lợn thịt giai đoạn cuối ở 5 huyện. Và tất cả các mẫu phân tích đều cho kết quả… không phát hiện chất cấm. Trong lĩnh vực thuốc thú y, kiểm tra ở 286 cửa hàng, không phát hiện việc kinh doanh thuốc ngoài danh mục được phép lưu hành và các loại chất cấm trong chăn nuôi.
Với thời gian khoảng 1.460 ngày, ngành NN&PTNT Thanh Hóa lấy 138 mẫu thịt, phủ tạng phân tích chất cấm nhưng cũng chỉ có một mẫu phát hiện thấy chất cấm, hàm lượng… nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Từ những nội dung ông Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đưa ra ở trên thì có lẽ vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt ở Thanh Hóa chả có gì nghiêm trọng đáng phải đưa ra chất vấn tại một kỳ họp HĐND tỉnh.
Ngành NN&PTNT Thanh Hóa sẽ làm gì để người dân được sử dụng
sản phẩm nông nghiệp sạch? (Ảnh: Nguyễn Chung).
Thực tế hoàn toàn khác
Ở phần giải trình, ông Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa nói rằng, đã phát hiện một hộ dân giấu chất cấm, đến khi cho gia súc dùng bữa mới bỏ trực tiếp vào thức ăn. Từ đó, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi: Khi phát hiện người dân bỏ trực tiếp thuốc vào thức ăn cho gia súc, ông có cho lấy mẫu ngay để xét nghiệm xem có sử dụng chất cấm không?.
Ông Lê Như Tuấn chống chế rằng: “Tôi chỉ nghe phản ánh lại. Nếu phát hiện, bắt ngay. Cái này là hiện tượng!”. Có lẽ, ông Tuấn quên lời mình nói trước đó nên đích danh ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phải nhắc lại khiến cả hội trường cười ồ lên.
Ông Trịnh Văn Chiến đánh giá: “Anh Tuấn (Lê Như Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa - PV) giải thích như thế nhưng không phải vậy đâu. Thực tế trầm trọng hơn nhiều”. Nói rồi, ông Bí thư Tỉnh ủy đưa ra phản ánh của cử tri: “Đội nhân viên kiểm dịch… (ông Chiến xin giấu tên) khi đến sạp hàng tại chợ không kiểm tra, thậm chí còn nhận hối lộ của các chủ cửa hàng để bỏ qua. Hiện, tại chợ xã có nhiều người bán chất cấm trong chăn nuôi, đề nghị tăng cường kiểm tra giám sát”.
Vị chủ tọa kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV khóa XVI nhấn mạnh: “Báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa không đánh giá hết được tình hình. Nhìn chung, không thấy có gì lớn cả. Nhưng thực tế, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đến mức trầm trọng rồi”.
Được biết, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã bàn đến vấn đề này và đặt ra mục tiêu tới năm 2020, thực phẩm trong tỉnh phải cơ bản đảm bảo an toàn, vệ sinh vì nó liên quan đến việc duy trì giống nòi. Ngoài ra, sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch còn góp phần tạo hình ảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch...
Ông Trịnh Văn Chiến “gay gắt”: “Phải coi việc sử dụng chất cấm giống như thứ ma túy trong nông nghiệp. Phải tập trung tuyên truyền, nêu rõ chất cấm gồm loại nào, tác hại ra sao. Đối với người chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn nếu phát hiện phải xử lý nghiêm, cấm hẳn không cho hoạt động trở lại…”.
Hy vọng, những vấn đề được “mổ xẻ” về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ là động lực để các ngành liên quan “xắn tay” vào cuộc, tạo sự an tâm trong sử dụng sản phẩm nông nghiệp đối với người dân.