Khu tái định cư 'thiếu đủ thứ', dân không ở
Khi nhận nhà, nhận đất và sinh sống tại khu tái định cư, những bất cập dần nảy sinh: Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đất đai khô cằn, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, nên phần lớn bà con về lại buôn cũ. Hậu quả là các khu tái định cư hoang tàn, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách.
Nhiều ngôi nhà xây xong bỏ hoang không người ở.
Từ năm 2003 đến 2010, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thực hiện dự án giãn dân, tách hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở trên địa bàn. Dự án được triển khai tại xã Vụ Bổn, gồm nhiều hạng mục đầu tư về cơ sở hạ tầng,với mục tiêu định canh, định cư cho 295 hộ đồng bào.
Tuy nhiên, do nơi ở mới không thuận tiện bằng nơi ở cũ, nên hầu hết các hộ dân không mặn mà vào sinh sống tại khu tái định cư, dẫn tới tình trạng khu dân cư hoang tàn, cánh đồng, nương rẫy sản xuất kém hiệu quả, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng tiền vốn đầu tư.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Viết Nhượng- Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết: Vụ Bổn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với dân số hơn 18 nghìn người. Đối với 295 hộ thuộc chương trình giãn dân, khi vào vùng dự án, ban đầu bà con rất phấn khởi, vì được ngân sách địa phương hỗ trợ 12 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 8 triệu đồng để xây nhà; được huyện khai hoang cấp cho 400 m2 đất ở, cấp 2-3 sào ruộng lúa nước, hoặc 1 ha đất rẫy.
Ngoài ra, tại vùng dự án còn được đầu tư các phân hiệu trường tiểu học, lớp mầm non, nhà văn hóa cộng đồng, công trình đường giao thông, kênh mương thủy lợi, đường điện sinh hoạt và cấp nước sinh hoạt.
Với những ưu đãi đó, ban đầu số bà con thuộc diện tách hộ, giãn dân từ các xã Krông Búk, Ea Kênh, Ea Kly và Hòa Đông rất phấn khởi, hy vọng về khu định canh, định cư mới sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Thế nhưng khi nhận nhà, nhận đất và sinh sống tại khu tái định cư, những bất cập dần nảy sinh: Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đất đai khô cằn, thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất, nên phần lớn bà con về lại buôn cũ. Hậu quả là các khu tái định cư hoang tàn, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách.
Không những thế, 295 hộ dân các buôn Ea Kal, Ea Nông A và Ea Nông B thuộc diện được vay 8 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở còn phải gánh khoản nợ tổng cộng 2 tỷ 360 triệu đồng, mà không biết đến khi nào mới có khả năng thanh toán.
Chúng tôi được Chủ tịch UBND xã đưa đi tìm hiểu thực tế tại buôn Ea Kal. Đây là buôn nằm khá gần trung tâm xã, điều kiện về “điện, đường, trường, trạm” khá thuận tiện. Thế nhưng, buôn định cư này cũng hoang tàn, vì hầu hết những căn nhà tái định cư, những khu đất tái định canh (cả đất vườn, đất ruộng) đều bỏ hoang.
Theo ông Nay Lập- Trưởng buôn Ea Kal, trong tổng số 66 hộ toàn buôn, đến nay chỉ còn 15 hộ trụ lại. Số hộ này trụ lại buôn cũng chỉ để đi làm thuê kiếm sống qua ngày vì cánh đồng lúa nước không thể sản xuất được.
Lý do, cánh đồng thiếu công trình thủy lợi, để sản xuất được bà con phải chi trả tiền điện bơm nước với mức chi phí quá cao. Theo tính toán mỗi vụ, bà con phải chi trả 600 nghìn đồng tiền điện bơm nước tưới/sào ruộng; trong khi đó, do tập quán canh tác lạc hậu, lại không có vốn đầu tư phân bón, nên năng suất lúa thấp, thu không đủ bù chi.
Được biết, những căn nhà ở khu tái định cư này được xây dựng với kinh phí 20 triệu đồng/căn có diện tích 24m2. Nhưng chất lượng quá thấp, phần lớn đều bị dột, tốc mái, tường nứt nẻ, cũng vì thế mà bà con không thể ở.
Các chị H’Thủy Niê và H’Xem Arul phản ánh: Không chỉ thiếu công trình thủy lợi, mà việc cấp cho bà con mỗi hộ 400m2 đất cũng quá chật hẹp, đất lại khô cằn không thể sản xuất và chăn nuôi được. Người dân bỏ khu tái định canh, tái định cư, trở lại buôn, còn thì các công trình dân sinh như phòng học, nhà văn hóa cộng đồng, đường điện, công trình cấp nước bỏ hoang tàn.
Như vậy, có thể thấy, việc UBND huyện Krông Pắk đầu tư xây dựng các khu tái định canh, tái định cư cho đồng bào DTTS xã Vụ Bổn là thiếu hiệu quả, dẫn tới vừa lãng phí ngân sách, vừa làm cho số hộ dân hưởng lợi từ chỗ thuộc diện nghèo nay nghèo thêm vì gánh phải khoản nợ xây nhà bỏ hoang.