Bản lĩnh chính trị là quan trọng nhất
Đại hội XII là sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước. Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa XI) sẽ thảo luận nhân sự cấp cao trình Đại hội XII của Đảng. Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Đức Hà- Vụ trưởng (Ban Tổ chức Trung ương Đảng), thành viên tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho biết, trong các tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương, bản lĩnh chính trị là quan trọng nhất. Phẩm chất đạo đức, lối sống phải trong sáng; không cơ hội, không lợi ích nhóm.
Ông Nguyễn Đức Hà. (Ảnh: Hoàng Long)
PV: Xin ông cho biết những nét nổi bật được coi là đột phá của Đại hội Đảng lần thứ XII tới?
Ông Nguyễn Đức Hà: Theo quyết định của Trung ương, Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ tiến hành trong tháng 1 năm 2016. Đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng đối với Đảng và đất nước. Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng khi đây cũng là giai đoạn chuyển đổi thế hệ cán bộ rất lớn. Vì theo quy định thống nhất của Trung ương, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước không còn đủ tuổi để tham gia Trung ương khóa XII.
Chính vì vậy công tác chuẩn bị cho Đại hội XII được chuẩn bị khá sớm, chủ động, được tiến hành một cách bài bản, khoa học, thận trọng từng bước. Chưa bao giờ Đảng tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, nhưng nhiệm kỳ này đánh dấu một sự đột phá, lần đầu tiên Đảng tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Tức là quy hoạch Trung ương, Bộ Chính trị, các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Việc chuẩn bị cho Đại hội XII được Trung ương tiến hành rất sớm. Đơn cử chuẩn bị cho các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XII, Trung ương đã chỉ đạo việc tổng kết 30 năm đổi mới để làm cơ sở nền tảng cho Báo cáo Chính trị. Đến Hội nghị lần thứ 9, Trung ương đã thông qua đề cương chi tiết dự thảo Báo cáo Chính trị; Báo cáo Kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2021).
Đến Hội nghị Trung ương 10 thảo luận tham gia đóng góp vào 2 Dự thảo báo cáo quan trọng và hoàn thiện 2 Dự thảo báo cáo này để đưa về lấy ý kiến Đại hội Đảng bộ các cấp, đồng thời lấy ý kiến của Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước.
Đến nay là Hội nghị Trung ương lần thứ 13, Trung ương đã tổng hợp tất cả, thảo luận cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp tiếp thu ý kiến của Đại hội Đảng bộ các cấp, ý kiến góp ý của MTTQ, Quốc hội, các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo báo cáo. Đến nay cơ bản Trung ương đã hoàn thiện Báo cáo Chính trị để trình ra Đại hội tới.
Thưa ông, tiêu chuẩn lựa chọn Ủy viên Trung ương lần này khác với những đại hội trước như thế nào?
- Để chuẩn bị cho nhân sự chính là từ Nghị quyết Trung ương 4. Trong 3 vấn đề Nghị quyết này đặt ra, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Trung ương 4 xác định xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là cực kỳ quan trọng.
Vì vậy Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã thảo luận thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Đến các hội nghị Trung ương tiếp theo thì tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương.
Trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương được gần 300 đồng chí, Bộ Chính trị mở 6 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ dự nguồn trong quy hoạch, cả dự nguồn quy hoạch Trung ương, quy hoạch cán bộ chủ chốt của các tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương. Lớp này đào tạo trong 4 tháng với hơn 500 đồng chí, hầu hết các đồng chí đã đi học lớp dự nguồn này vừa rồi tại đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành đều đã tham gia vào các chức danh chủ chốt và được Trung ương giới thiệu để tham gia Trung ương.
Sau khi quy hoạch Trung ương mới tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bây giờ chúng ta cũng đã quy hoạch 28 đồng chí quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Như vậy là rất bài bản, thận trọng chặt chẽ và từng bước. Trước khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội, Trung ương đã thống nhất yêu cầu xây dựng Trung ương khóa XII như thế nào? Tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương như thế nào? Tiêu chuẩn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thế nào?
Vấn đề này được Trung ương thảo luận khá chi tiết, đặt ra yêu cầu cụ thể, như phẩm chất đạo đức, chính trị thế nào? Phẩm chất năng lực trí tuệ thế nào? Sức khỏe ra sao? Ví dụ muốn tham gia vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì ít nhất cũng phải là Ủy viên Trung ương khóa thứ 2; phải kinh qua cơ sở, Bí thư tỉnh, thành ủy, hoặc Bộ trưởng, Trưởng các ban Đảng. Từ tiêu chuẩn này Trung ương mới đối chiếu so sánh và giới thiệu.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 đó là lấy phiếu tín nhiệm. Vậy những người có phiếu tín nhiệm thấp có được xem xét để đưa vào Trung ương lần này không, thưa ông?
- Phải phân biệt việc lấy phiếu tín nhiệm khác với giới thiệu nhân sự. Vì lấy phiếu tín nhiệm chỉ là 1 kênh tham khảo để giúp cho bản thân đồng chí được lấy phiếu nhìn nhận mình, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm vươn lên. Mục đích thứ hai là để cho cấp ủy quản lý cán bộ có thêm thông tin, đánh giá cán bộ cho sát, khách quan.
Thưa ông các trường hợp đặc biệt đã được xem xét từ Hội nghị Trung ương lần thứ 12, và đến nay là hội nghị 13 lại được tiếp tục cho ý kiến. Vậy có tiêu chí cụ thể nào?
- Lần này Trung ương có thảo luận đưa ra các tiêu chí đặc biệt tức là những trường hợp ngoài độ tuổi quy định chung thì Trung ương làm rõ các điều kiện cụ thể. Từ quan điểm, nguyên tắc yêu cầu chung, tiêu chí chung Trung ương mới thống nhất rồi đi vào cụ thể. Đây là cách làm bài bản chặt chẽ. Trung ương có quy định những trường hợp mới và tái cử cần cơ cấu tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi quy định, thì Bộ chính trị sẽ xem xét nhiều mặt, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét và quyết định giới thiệu với đại hội.
Lúc sinh thời Hồ Chủ tịch đã căn dặn cán bộ đức phải là gốc, cho nên lựa chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tới là hết sức nặng nề. Lần này có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo cấp chiến lược, vậy lựa chọn nhân sự như thế nào để làm nền tảng cho Đại hội này cũng như các năm tiếp theo, thưa ông?
- Chuyển giao cán bộ không bao giờ giật cục. Cho nên Trung ương đã thống nhất trong 200 ủy viên Trung ương thì một số dưới 50 tuổi, số đông từ 50-60 tuổi và một số ít trên 60 tuổi. Như vậy luôn luôn tạo ra 3 thế hệ cán bộ kế tiếp nhau.
Cái mới của lần này là ủy viên dự khuyết để đào tạo, tạo nguồn chuẩn bị cho khóa sau là phải trẻ, đã là dự khuyết phải dưới 45 tuổi để còn bồi dưỡng 3 nhiệm kỳ nữa. Ngoài ra Trung ương cũng nói rõ dự khuyết là để tạo nguồn lâu dài, lâu dài thì phải trẻ, đặc biệt quy định rõ dự khuyết phải tốt nghiệp đại học chính quy. Vào dự nguồn nhưng phải trẻ, có kiến thức, trí tuệ, trình độ.
Trong các tiêu chuẩn của Ủy viên Trung ương thì bản lĩnh chính trị là quan trọng nhất và phải kiên định: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đổi mới, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặc biệt phẩm chất đạo đức, lối sống phải trong sáng, làm gương, cho nên Trung ương yêu cầu không cơ cấu vào Trung ương những người cơ hội, tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ. Phải am hiểu trên từng lĩnh vực mới tham gia, đóng góp cho sự lãnh đạo chung của Trung ương.
Trân trọng cảm ơn ông!