Sách điện tử lậu đang 'thuổng' hàng tỷ đồng mỗi ngày
Bộ Thông tin – Truyền Thông (TTTT) đưa ra con số hàng triệu người đã và đang hàng ngày sử dụng trái phép qua mạng internet sản phẩm của các nhà xuất bản (NXB) và đơn vị làm sách mà không trả tiền (gọi tắt là ebook lậu), gây thiệt hại trực tiếp đến ngành xuất bản.
Ảnh minh họa.
Tại hội thảo về xuất bản và phát hành sách điện tử do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT) tổ chức vào ngày 15/12 tại TP HCM, ông Nguyễn Hải - NXB Tổng hợp TP HCM cho biết, dù có nhiều ưu điểm nhưng do chưa có giải pháp quản lý hiệu quả mà ebook lậu vẫn đang tràn lan trên mạng và được mua bán công khai, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa mạnh tay, thậm chí là chưa có động thái nào để ngăn chặn.
Trong khi đó, thật khó hiểu là hiện nay Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ đều đã có hiệu lực để có thể xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm ebook lậu.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Thương mại Điện tử và CNTT (Bộ Công thương) chỉ ra rằng, nghiên cứu từ 2010 đến nay, người Việt Nam đang có xu hướng sử dụng các thiết bị di động và máy tính xách tay để truy cập internet. Cụ thể, năm 2010 có 27% số người truy cập internet qua điện thoại, sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng lên đến 65% vào năm 2014.
Tuy nhiên, ngược lại với sách in truyền thống chủ yếu là do những người có chuyên môn biên soạn và xuất bản thì với ebook những người biết nắm bắt kỹ thuật đều có thể viết và xuất bản trên mạng. Điều này rõ ràng đặt ra vấn đề quản lý, kiểm duyệt khi mà công tác này hiện nay tồn tại nhiều bất cập.
Cục An ninh văn hóa, Thông tin truyền thông (Bộ Công an) đưa ra thống kê, hiện có 10 NXB được thành lập và hoạt động xuất bản, phát hành các xuất bản phẩm điện tử bất hợp pháp bằng tiếng Việt, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về xuất bản. Các đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã lợi dụng các NXB này để đăng tải, tán phát những tác phẩm, tài liệu có nội dung chính trị phức tạp dưới dạng xuất bản phẩm điện tử.
Ông Hồ Minh Đức - Phó Tổng GĐ công ty CP CNTT Naiscorp chuyên về số hóa tài liệu cho rằng, khi môi trường sách điện tử đang bị sao chép, vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật thì cần phải có chế tài mạnh hơn. Tuy nhiên hệ thống luật và hình thức xử phạt hiện còn đang lỏng lẻo và chưa triệt để, có vẻ như quá nhẹ nhàng đối với vi phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền đang làm cho thị trường kém sức cạnh tranh, cũng như khó thuyết phục nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Hồ Minh Đức gợi ý, nên sử dụng giải pháp CNTT trong vấn đề bản quyền, như là cơ chế bảo mật, tập trung vào vận hành trong lĩnh vực quản lý xuất bản điện tử; hệ thống CMS để quản trị nội dung xuất bản điện tử; phân quyền để thiết lập các phạm vi quản lý, khai thác; quản lý lưu chiểu;…
Đại diện NXB Trẻ kiến nghị, để thị trường sách điện tử có bản quyền phát triển thì luật pháp phải là công cụ bảo vệ quyền chứ không phải kỹ thuật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp chế tài các cá nhân đơn vị vi phạm bản quyền. Ngoài ra cũng cần có một cơ chế kiểm soát có hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát hành sách điện tử/tài liệu số trái phép dựa trên những quy định pháp luật.