Tập huấn xét nghiệm nồng độ cồn người lái xe
Sáng 16/12, tại Tp Vĩnh Yên, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị tập huấn xét nghiệm nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA Bộ Y tế và Bộ Công an.
Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên Bộ Y tế, Ủy ban ATGTQG, các Phòng thuộc Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an, Phòng Cảnh sát Giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các BV trực thuộc TW, BV ngành trên cả nước tham dự.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng 9, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, vi phạm vẫn mang tính phổ biến; việc kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT còn gặp rất nhiều khó khăn do thói quen sử dụng rượu bia, đặc biệt trong dịp lễ tết ở khu vực nông thôn; nhận thức của người tham gia giao thông về sử dụng rượu bia còn chủ quan...
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn BV hữu nghị Việt Đức cho biết, việc sử dụng rượu, bia trong tham gia giao thông sẽ thường xuất hiện trình trạng : Bốc đồng: chạy với tốc độ cao; Kích thích: không làm chủ được hành vi; Ức chế não bộ gây buồn ngủ; Giảm phản xạ và thị lực; Giảm 10-30% phản xạ khi gặp tình huống; Ước lượng sai về khoảng cách. Những điều này là nguyên nhân gây ra những tai nạn giao thông.
Theo nghiên cứu của Cục quản lý Môi trường y tế phối hợp với BV Việt Đức đối với hơn 2.000 trường hợp tại 5 bệnh viện tại Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang năm 2011 cho thấy, tỷ lệ người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt giới hạn cho phép ở nhóm tuổi 20-29 chiếm 48%. Tỷ lệ người lái xe máy uống rượu bia nhiều sau 19h30 chiếm 46,2%. Người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu cao có tỷ lệ bị chấn thương sộ não chiếm từ 37,7% đến 53,5%.
Lê Hảo