Bài toán vốn cho HTX nông nghiệp: Thông 'điểm nghẽn' thế nào?
Năm 2015, Liên minh HTX Việt Nam đã khảo sát nhiều HTX nông nghiệp ở các địa phương An Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Giang và Hà Nội; đến đâu các hội viên HTX cũng phản ánh rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại. Vậy ngành ngân hàng phải tập trung khắc phục điểm nghẽn thế nào khi mà chính sách về tín dụng từ Chính phủ đã có và rất thông thoáng? Đó là câu hỏi của TS Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.
Các HTX khó tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: minh họa.
Lúng túng khi tiếp cận vốn vay
Cách đây 1 năm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, HTX không triệt tiêu sản xuất hộ cá thể mà làm cho sản xuất hộ hiệu quả hơn, thước đo hiệu quả của HTX là thu nhập tăng thêm của người nông dân so với thời điểm chưa tham gia HTX. HTX tạo sức mạnh kinh tế và pháp lý để đàm phán mua đầu vào, đầu ra các dịch vụ quy mô lớn có tính dự báo. HTX là để các hộ cá thể hoạt động tốt hơn trong nền kinh tế thị trường.
Khi đó HTX sẽ thu hút được nhiều người nông dân tham gia vào. Muốn hội nhập thị trường, muốn tham gia xuất khẩu thì qua khâu trung gian thì liên kết để làm cho mạnh hơn đó chính là HTX, là một giải pháp rất hiệu quả mà các nước phát triển đã lựa chọn và triển khai có hiệu quả hơn 150 năm qua.
Trong thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại đã mạnh dạn tham gia vào “mảng” thị trường HTX. Cũng có mô hình HTX thành công, chẳng hạn như mô hình HTX Sài Gòn Coop-mart, nhưng đây chỉ là trường hợp rất cá biệt.
Vì sao đa số HTX hiện nay vận hành rất khó khăn khi nó từng có một thời hoàng kim? Không quá khó để đưa ra câu trả lời bởi những vướng mắc của HTX thời hội nhập nhìn thấy mà chưa gỡ được, như các yêu tố về vốn và nhân lực.
Ông Phan Quốc Ân- Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Quý Hiền (Lào Cai) đang có 38 hộ xã viên chia sẻ: HTX sản xuất nhỏ lẻ, nên giá bán không ổn định. Thời tiết tốt các hộ trong HTX chăn nuôi tốt cung lớn hơn cầu, thời tiết kém thì cầu lại lớn hơn cung. Do sản xuất quy mô nhỏ lẻ nên chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới, không dám mời chuyên gia về hướng dẫn chăn nuôi. Vì sản xuất nhỏ lẻ nên hệ số quay vòng vốn thấp.
Hiện nay vốn HTX Quý Hiền lên tới hơn hàng chục tỷ nhưng HTX vẫn đang lúng túng vì vốn là tài sản đóng góp của xã viên. Và theo yêu cầu thì khi các hộ thành viên góp vốn cho HTX bắt buộc phải sang tên chính chủ cho HTX nhưng từ đây đặt câu hỏi: Liệu các hộ có yên tâm sản xuất hay không? Các HTX nông nghiệp không biết tìm nguồn vốn ở đâu để đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng kinh doanh, sản xuất.
Ông Đào Xuân Cần- nguyên Chủ tịch Liên minh HTX cũng thẳng thắn nói, Luật HTX ra đời từ năm 2012, nhưng thực trạng của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX hiện nay nói chung rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng “xa mặt cách lòng”
Từ năm 2013, chính sách về vốn cho các HTX được mở rộng. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 02/1/2008 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; Kết luận của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn nói chung và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nói riêng đối với khu vực kinh tế tập thể.
Ngoài việc được tiếp cận dòng vốn tín dụng ngân hàng bình đẳng như các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX cũng được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về lãi suất, về tín dụng tín chấp của NHNN theo các chương trình của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý là chính sách hỗ trợ lãi suất xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay và được xem xét cho vay mới đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chương trình cho vay thí điểm phục vụ nông nghiệp…
Cập nhật dữ liệu từ NHNN theo chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp tính đến thời điểm 31/10/2015 cho biết: con số dư nợ tín dụng đạt 2.021,25 tỷ đồng với 31 dự án được giải ngân. Bản thân các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ cho vay với tổng số tiền 5.627,62 tỷ đồng.
Gần đây nhất là việc nới hạn mức vay tín chấp cho HTX, chủ trang trại, cụ thể với hai chủ thể này khi hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tín chấp, vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản tối đa 500 triệu đồng tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Bản thân ngân hàng HTX, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), hay cả BIDV ngoài chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, còn mạnh dạn đi sâu vào cho vay kinh tế hợp tác xã.
Cụ thể, vào tuần đầu tháng 11, Agribank tổ chức ký kết hỗ trợ tín dụng cho 5 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - dịch vụ tại Ninh Thuận. Nhiều HTX làm ăn hiệu quả cũng đã mạnh dạn gõ cửa ngân hàng. Dư nợ tín dụng mảng tam nông của một số ngân hàng còn chiếm tới tỷ lệ 70-80%.
Việc một số ngân hàng mạnh dạn cung ứng vốn cho các đơn vị kinh tế tập thể nói trên cho thấy, hiện nay hoạt động cho vay đối với các HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đã bắt đầu có những dấu hiệu tốt lên. Điều này chứng tỏ rằng, những thay đổi trong chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và NHNN, cũng như sự chủ động đổi mới từ bản thân các HTX đã bắt đầu có sự kết hợp để tạo ra hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên có một điều đáng băn khoăn, vốn cho tam nông đang được kích, nhưng vốn cho HTX vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng.
Trồng nấm ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Long.
Lấy con số minh họa cụ thể từ kết quả khảo sát (tính đến hết tháng 3/2015) của NHNN Việt Nam, tại 3 tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa thì thấy rõ hơn tỷ lệ chênh lệch tín dụng quá lớn này. Chẳng hạn tại Nghệ An, tổng dư nợ cho vay của tất cả các TCTD trên địa bàn khu vực kinh tế hợp tác xã và tổ hợp tác chỉ chiếm 0,76% tổng dư nợ nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Tương tự ở Hà Tĩnh là 0,69% và ở Thanh Hóa là 0,11%. Các con số này chưa đáp ứng được những mong muốn của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế ở khu vực HTX.
Bà Nông Thị Biệt- Chủ nhiệm HTX Minh Anh (TP.Bắc Kạn) chia sẻ, vì không có tài sản thế chấp, các thủ tục vẫn còn rườm rà, cứng nhắc nên ngân hàng và HTX chưa thể có tiếng nói chung. Trả lời Đại Đoàn Kết, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, điểm yếu nhất của HTX là không có phương án vay vốn rõ ràng, không có trụ sở mà dễ hiểu hơn là khả năng minh bạch tài chính hạn chế nên ngân hàng khó có thể tạo niềm tin vay vốn.
Cũng phải thừa nhận rằng, nội lực kinh tế HTX còn yếu; cơ sở hạ tầng sản xuất, kinh doanh lạc hậu. Quy mô các HTX còn nhỏ, nội dung hoạt động chưa phong phú, hiệu quả thấp, khả năng cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Điều này khiến cho ngân hàng “xa mặt cách lòng” với HTX.
Nói và làm cần đồng tốc với nhau
Để thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư phát triển, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần xây dựng hệ thống liên kết giữa Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và các Quỹ địa phương theo hướng Quỹ Trung ương là đầu mối hướng dẫn, tư vấn và phối hợp cùng Quỹ địa phương triển khai hỗ trợ vốn cho các HTX theo các hình thức khác nhau như hợp vốn đồng tài trợ, uỷ thác... Các chính sách tín dụng cho HTX cũng cần phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu và thống nhất chung.
Về lý thuyết, ngân hàng xác định đối tượng phục vụ của vốn tín dụng ngân hàng không chỉ có HTX mà còn bao gồm cả xã viên của HTX nên các chính sách tín dụng không thiên lệch quá vào kinh tế hộ hay các xã viên mà cần tập trung nhiều hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, hỗ trợ cho hoạt động của HTX phát triển.
Tuy nhiên việc cấp tín dụng phải dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn của phương án, dự án kinh doanh do hợp tác xã, hay do xã viên đề nghị. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế HTX. Điều này đã được chứng minh khá rõ ở một số HTX nông nghiệp tại Hà Tĩnh, Thanh Hóa trong thời gian vừa qua.
Cuối cùng và cũng là điều quan trọng đó là ngành ngân hàng cần đồng hành, chia sẻ với các HTX nông nghiệp, qua đó sớm cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã ban hành nhằm phát triển mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã, đảm bảo cho dòng vốn tín đến được đúng địa chỉ, không bị lợi dụng và sử dụng trái mục đích bởi các hợp tác xã hoạt động thiếu hiệu quả, sai bản chất, hoạt động hình thức, không mang lại lợi ích cho thành viên.
Đó chính là bài toán phải tập trung giải quyết của ngành ngân hàng trước hàng triệu xã viên HTX cả nước.
Nghị định 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ quy định cụ thể mức vay vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn:
Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp
Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn, có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với HTX hoặc doanh nghiệp.
Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm
Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh.
Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp.
Tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ…
Tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.