Khi hài Tết phải … cộng sinh

Hoàng Minh 17/12/2015 06:16

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp giáp Tết, các đơn vị sản xuất phim tư nhân lại “nô nức” cho ra mắt hàng loạt các chương trình hài Tết. Thế nhưng, để những sản phẩm hài Tết thực sự có chất lượng, trở thành món ăn tinh thần được đón đợi, vẫn còn là những câu chuyện dài.

Phim hài tết “Đại gia chân đất”

Không thể phủ nhận các chương trình hài Tết lâu nay gần như đã trở thành một sản phẩm giải trí mỗi dịp “Tết đến, Xuân về”. Với khán giả phía Bắc, không khó để điểm ra những đơn vị sản xuất quen thuộc như Công ty Nghe nhìn Thăng Long, Hãng phim Bình Minh… bên cạnh những nghệ sĩ hài đã “đóng đinh” trong lòng khán giả Xuân Hinh, Quang Thắng, Chiến Thắng, Vượng Râu… Mới đây, hàng loạt chương trình đã rục rịch chuẩn bị ngày ra mắt như “Làng ế vợ”, “Đại gia chân đất”, “Xuân phát tài”, “Trở về” “Tết Vạn lộc – cười để yêu thương”… Mặc dù là những sản phẩm được đầu tư lớn nhưng trước giờ ra mắt, những sản phẩm hài Tết luôn trong tình trạng hồi hộp xen lẫn âu lo…

Nguyên nhân chính là sự ra đời quá nhiều sản phẩm đã làm thị trường hài trở nên bão hòa. Chưa kể, sự ra đời ồ ạt của các sản phẩm hài nhàm, nhạt cũng đã gián tiếp làm khán giả trở nên “hờ hững” với các chương trình. Một trong những lý do làm khán giả “phiền lòng” đó là việc nhiều chương trình hài Tết hiện nay “cài cắm” quảng cáo quá lộ liễu trong cảnh diễn. Thậm chí, nhiều tiết mục hài được đánh giá là hay, hấp dẫn khi nội dung đang ở cao trào thì bỗng chen ngang ngay một chương trình quảng cáo không khỏi làm khán giả ức chế. Tuy vậy, đằng sau những bật cập đó là những nỗi niềm của chính những người sản xuất. Với đa số đơn vị sản xuất phim hài Tết tư nhân việc “cài” quảng cáo giờ đây là điều bắt buộc. Họ phải sống “cộng sinh” để các sản phẩm hài có kinh phí sản xuất. Ngay như đạo diễn Bình Trọng – người có “thâm niên” làm hài Tết trong nhiều năm nay cũng phải thú nhận: “Nói thật các doanh nghiệp làm phim tư nhân như chúng tôi không có những đơn vị tài trợ thì không thể hoàn thành các bộ phim. Thực tế, chúng tôi chỉ phát hành đĩa vào buổi sáng thì ngay buổi tối đã có đĩa lậu. Từ đó, dẫn đến chúng tôi cũng rất khó khăn trong việc phát hành đĩa, kinh doanh đĩa. Tôi cũng thừa nhận những sản phẩm quảng cáo chúng tôi đưa vào trong phim tôi là hơi lộ liễu. Trước mắt, với các sản phẩm quảng cáo trong các chương trình hài Tết tôi chỉ biết cài cắm vào các hoạt cảnh sao cho hợp lý, ngọt ngào hơn”.

Bên cạnh nỗi lo phải hài hòa kịch bản hài và quảng cáo có một thực tế hầu hết các sản phẩm hài khó có cơ hội tìm nguồn thu từ việc bán đĩa. Một sản phẩm đĩa hài Tết dù đã giảm giá “hết cỡ”, thậm chí chấp nhận hòa vốn có giá là 20.000 đồng/1 đĩa. Thế nhưng, với sản phẩm đĩa lậu thì chỉ có giá 5.000 đồng/ 1 đĩa dù chất lượng kém hơn một chút. Chưa kể, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều chương trình hài chỉ mới phát hành ít phút sau đã được đăng tải toàn bộ nội dung trên mạng internet. Và nói cám cảnh như đạo diễn Bình Trọng vấn nạn đĩa lậu đã phổ biến rất nhiều năm nay, hiện nay các đơn vị sản xuất nào cũng phải chấp nhận sống chung với nó. Còn giải pháp nói ra thì hơi đau xót là bây giờ chúng tôi quay sang cổ vũ nó, động viên nó. Động viên bằng cách tôi làm các bộ phim thật tốt, phim hay thì càng nhiều đĩa lậu được in. Khi mà đĩa lậu hoành hành thì các sản phẩm mà tôi sản xuất ra càng được nhiều người biết đến. Còn về lên án đĩa lậu thì giờ có lên án cũng không được, đành phải quay sang cổ vũ.

Tuy vậy, những khó khăn mà đạo diễn Bình Trọng đã thật thà chia sẻ cũng chỉ là một phần. Bởi hơn cả người nghệ sĩ đã mang những sản phẩm đến cho khán giả đó là trách nhiệm, bổn phận. Có một thực tế đó là những năm qua, việc thiếu kịch bản khiến một số đĩa hài tết bị nhảm, bị nhạt, người xem kém mặn mà. Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng - Giám đốc Công ty Nghe nhìn Thăng Long : “Để tìm được một kịch bản hay đưa vào sản xuất phim tết không đơn giản. Có những thời điểm vì không có kịch bản, chúng tôi còn tổ chức cả cuộc thi viết nhưng khi tổng kết vẫn không thể tìm ra được một cái ưng ý để làm phim. Dù là những đĩa hài mang lại tiếng cười cho mọi người nhưng nhiều khán giả vẫn muốn thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật ấy với những tiểu phẩm có văn hóa, ý nghĩa. Những năm gần đây, cứ kết thúc đợt phim năm trước, vào những ngày đầu năm, khi mọi người đi vui xuân, tôi đã ngồi nghĩ ý tưởng cho năm đó.”

Cũng theo đạo diễn Bình Trọng: “Thật ra, mỗi người một quan điểm, nhưng theo tôi, nỗi buồn lớn nhất là khi làm phim hài xong, khán giả không thể cười nổi. Có những phim làm mất mấy tỉ đồng nhưng sau khi ra rạp, khán giả vẫn chê như thường. Là dân nghệ thuật, tôi thấy rằng, làm phim hài rất vất vả, có thời gian dài tôi chỉ ngủ mỗi ngày 3 tiếng...”

Lại vào mùa. Hàng loạt đĩa hài tết bắt đầu “ra quân”. Nhưng niềm vui và tiếng cười nào sẽ ngự trị trong lòng khán giả, trong mọi nhà, có sức “công phá” lớn… có lẽ còn tùy thuộc vào mức độ sâu cay, ý nghĩa và cách thể hiện mà các nghệ sĩ hài gửi gắm qua từng tác phẩm.

Hoàng Minh