Giám sát vì sự hài lòng của doanh nghiệp
Chương trình phối hợp giám sát thuế, hải quan năm 2015 do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức vừa công bố những con số đáng suy ngẫm. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình phối hợp giám sát trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết về những kết quả này.
Ông Vũ Tiến Lộc.
PV: Theo kết quả chương trình phối hợp giám sát trong lĩnh vực thuế và hải quan vừa được công bố, hai lĩnh vực nóng nhất này đã có nhiều cải cách trong các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá như thế nào về kết quả giám sát lần này, thưa ông?
TS Vũ Tiến Lộc: Kết quả giám sát này cùng với hai cuộc khảo sát doanh nghiệp (DN) quy mô lớn về mức độ hài lòng đối với các thủ tục hành chính ngành thuế và hải quan mà VCCI thực hiện và công bố hồi tháng 8, và 11/2015 vừa qua đã khẳng định rằng, cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao các nỗ lực cải cách của ngành thuế và hải quan, quá trình cải cách này bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Ngành Thuế và Hải quan đã tạo ra được sự thay đổi hình ảnh đáng ghi nhận, từng bước xoá bỏ định kiến khi dần xác lập được quan hệ đối tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động tham vấn, đối thoại, giải đáp thắc mắc. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 19 của Chính phủ được ban hành, những cải cách của hai ngành này đã tạo ra những tác động rõ rệt tới cộng đồng DN.
Khảo sát các hiệp hội DN và Liên minh Hợp tác xã cho thấy cùng với lĩnh vực thành lập DN, thuế và hải quan là hai lĩnh vực được đánh giá có chuyển biến tích cực nhất. Điều đó cũng có nghĩa là, những chuyển biến tích cực là có cơ sở thực tế. Bởi chính DN hàng ngày phải tiếp xúc với lĩnh vực thuế, hải quan, nên những tiếng nói, đánh giá và ghi nhận của họ về sự tiến bộ đối với hai ngành này là khả tín.
Tuy nhiên, điểm nghẽn trong quy trình thủ tục vẫn còn, thái độ công chức vẫn còn bị kêu ca nhiều. Qua khảo sát lần này mới chỉ có 20% DN đánh giá cán bộ công chức tận tình với DN?
- Nếu nhìn lại vài năm trước đây ngành tài chính của chúng ta đặc biệt là thuế và hải quan đội sổ so với khu vực ASEAN. Hai ngành này cũng là hai điểm nóng nhất của môi trường kinh doanh. Tuy nhiên hiện tại thuế và hải quan đã trở thành hai ngành tiên phong trong cải cách hành chính,
Con số 20% DN được khảo sát đánh giá cán bộ công chức tận tình với DN chỉ ra rằng còn lại 80% cán bộ ngành thuế, hải quan mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó dễ cho DN. Con số 80% còn lại chính là dư địa cải cách để ngành thuế và hải quan triển khai quyết liệt trong những năm tới để thu được lòng dân, thu được sự hài lòng của cộng đồng DN.
Kết quả khảo sát cũng phản ánh thực tế các DN đang phải trả các khoản chi phí không chính thức, chi phí “bôi trơn”. Trong thời gian tới cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
-Một trong những đề xuất, giải pháp kiến nghị mà Ban chỉ đạo chương trình phối hợp giám sát trong lĩnh vực thuế, hải quan đưa ra đó là cộng đồng DN cần mạnh dạn phát hiện, kiến nghị về những hành động sai phạm, những hành vi nhũng nhiễu hạch sách, tiêu cực.
Cộng đồng DN có thể phát hiện, phản ánh những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhưng quan trọng hơn hết là ngành thuế, hải quan cần phát huy những tiến bộ đã được ghi nhận. Bởi hơn ai hết, ngành thuế và hải quan hiểu được rằng, họ là một chìa khóa rất quan trọng để DN phát huy được nội lực của mình trong hội nhập, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.
Khi DN không còn phải lo lắng đối phó với những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, hoặc không phải trả “phí ngầm”…thì cũng chính là lúc DN sẽ tập trung được 100% nguồn lực cho phát triển.
Việt Nam hướng tới đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6 vào cuối năm 2015 và trung bình của nhóm các nước ASEAN-4 vào cuối năm 2016. Để đạt được mục tiêu trên ông có khuyến nghị gì để ngành thuế, hải quan đáp ứng được yêu cầu về cải cách và hiện đại hóa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
-Nếu chỉ ngành thuế và hải quan nỗ lực thì cũng khó thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước, nhất là khi hội nhập đang đến sát cổng. Ở một góc độ toàn diện hơn, những yêu cầu cải cách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu: Môi trường kinh doanh của VN phải đứng vào nhóm 4 nước đứng đầu trong ASEAN vào cuối năm 2016. Tôi nghĩ chúng ta không chỉ dừng lại ở mục tiêu đó mà còn phải có khát vọng và kế hoạch biến Việt Nam thành quốc gia có môi trường kinh doanh thuộc nhóm tốt nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập với thế giới, sự thành bại của DN được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, ở cấp Trung ương mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hằng ngày từ cấp xã, phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch... Thực tế khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa. Thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là khép lại khoảng cách giữa lời nói với việc làm.
Đối với ngành thuế và hải quan, hai lĩnh vực liên quan trực tiếp và mật thiết với cộng đồng DN, tỷ lệ 20% công chức, cán bộ tận tụy cần được nâng cao hơn cho đến khi đạt được tỷ lệ 100% công chức, cán bộ được đánh giá là tận tụy. Những cuộc phối hợp giám sát giữa UBTƯ MTTQ Viêt Nam với các tổ chức thành viên sẽ trở thành chất xúc tác cho quá trình cải cách của ngành thuế, hải quan nói riêng.
Chỉ khi nào cộng đồng DN và người dân nhìn thấy một chính quyền vì dân hiện hữu trong thái độ tận tâm của từng công chức, cán bộ, khi đó, những mục tiêu ASEAN-6, ASEAN-4 không còn là những mệnh lệnh hành chính, mà sẽ là những mục tiêu dễ dàng vượt qua.
Trân trọng cảm ơn ông!