Hỗ trợ nhiều hơn cho DN xây nhà cho người thu nhập thấp
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng nguồn cung lại hạn hẹp do chính sách đang tồn tại nhiều bất cập. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, nhà nước phải tham gia vào chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp nhiều hơn nữa mới mong thành công.
Mặc dù chính sách nhà ở xã hội được Chính phủ và các địa phương chú ý nhiều, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chương trình này không thật sự đạt kết quả cao.
Từ năm 1999 đến năm 2014 cả nước cần 400.000 căn nhà nhưng thực tế trong vòng 15 năm qua TP HCM chỉ xây dựng được 103.000 ngàn căn; Hà Nội xây được 125.000 ngàn căn. Riêng giai đoạn 2011 – 2015 cả nước cần 200.000 căn nhưng kết quả chỉ có 38 dự án nhà ở xã hội đi vào hoạt động với hơn 40.000 căn.
Nguyên nhân, chương trình đầu tư nhà ở xã hội không thu hút đầu tư do lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn lâu. Thậm chí, một số doanh nghiệp từ khi hình thành đã có ý tưởng tâm huyết để phát triển nhà ở xã hội song đến thời điểm này kế hoạch kinh doanh gần như phá sản.
Không chỉ cơ chế không tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp kinh doanh, quá trình phát triển nhà ở còn gặp nhiều nghịch lý vì không sát với thực tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự khập khiễng giữa cung – cầu hiện nay là có nguyên nhân chẳng qua chưa được giải quyết. Đó là, giá đất cao cùng với chi phí xây dựng ngất ngưởng nên nhà ở xã hội trở thành sản phẩm xa xỉ đối với người thu nhập thấp.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp từng “mê mẩn” mô hình nhà ở xã hội của các nước và muốn áp dụng tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng nhưng lực bất tòng tâm. Doanh nghiệp mong muốn nhà nước tiên phong trong hoạt động này bằng chính sách cụ thể, thông thoáng chứ không thể nửa vời như thời gian qua.
Bàn về trách nhiệm của nhà nước trong chương trình phát triển xã hội Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: “Nước nào có lượng nhà ở xã hội nhiều chứng tỏ chính sách chăm lo người dân của nước đó tốt. Đảm bảo chỗ ở cho công dân là trách nhiệm và lương tâm của nhà nước,vì thế chính sách xã hội về nhà ở phải thể hiện được”.
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, nhà ở xã hội hoàn toàn không có cơ chế xin cho. Chính vì thế mà doanh nghiệp cảm tưởng doanh nghiệp đang cho người thu nhập thập thì vô cùng tội nghiệp căn nhà ở xã hội. Trách nhiệm của nhà nước, của xã hội là làm sao nhà ở xã hội thực hiện đầy đủ, phát triển rộng rãi, đồng thời nâng cao tính thẩm mỹ, giá trị chất lượng.