Hợp tác xuyên biên giới chống thất thoát cổ vật
Nhằm nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép cổ vật, trong các ngày từ 15 đến 17/12, tại Hà Nội, UNESCO đã tổ chức hội thảo - tập huấn quốc tế về “Nâng cao năng lực chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa: ngăn chặn, hợp tác và thu hồi, hoàn trả”.
Chuông chùa Đại An (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc)
từng bị kẻ gian đánh cắp trượt.
Đông Nam Á: Trung tâm buôn bán cổ vật trái phép
Hội thảo lần này được xây dựng dựa trên hội nghị chuyên đề tiểu vùng tại Bangkok năm 2014 về chống nạn buôn bán trái phép về di sản văn hóa, nhằm tiếp tục ủng hộ việc phê chuẩn Công ước năm 1970 của UNESCO về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu, chuyển nhượng trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa và Công ước UNIDROIT 1995 về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép; cung cấp những hướng dẫn chi tiết để thực hiện hiệu quả các văn kiện nói trên. Hội thảo thu hút sự tham gia của các giảng viên đến từ UNESCO, cán bộ văn hóa, hải quan, công an và bảo tàng từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam).
Theo đó, một thực trạng được nhận định tại hội thảo này: việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa đã và đang gây nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với di sản văn hóa của nhân loại.
Việc mua bán trái phép tài sản văn hóa là một vấn nạn, đặc biệt là các nước đang phát triển, những nơi thường thiếu vắng các khung pháp lý và công cụ thực thi, cũng như nhận thức chung còn thấp về các hậu quả của việc này.
Đồng thời, tình trạng trộm cắp tài sản văn hóa cũng rất phổ biến và nghiêm trọng ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của xung đột vũ trang và thảm họa tự nhiên.
Đó là lý do tại sao cần xây dựng các biện pháp phòng ngừa để có thể phản ứng nhanh trong các trường hợp khẩn cấp. Việc UNESCO tổ chức hội thảo này cũng nhằm tăng cường hoạt động nâng cao năng lực chống buôn bán, thất thoát hiện vật văn hóa trong khu vực.
Tại Việt Nam, theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), nạn “chảy máu” cổ vật được xác định là do nạn đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong di tích đền, chùa, miếu... và do chiến tranh. Những mất mát cổ vật trong chiến tranh thường xảy ra với quy mô lớn, nghiêm trọng như với Huế, Mỹ Sơn, Thăng Long… Tất cả đều đã được ghi lại trong sách sử.
Đơn cử như ngày 5/7/1885, khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã lấy đi những gì là quý báu nhất ở đây. Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự việc này đã ghi lại: Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc, 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các vua hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm long sàng, hỏa lò, màn thêu hoa, đỉnh trầm, khay chén, tăm xỉa răng... đều bị lấy đi.
Tham dự hội thảo, ông Edouar Planche - Thư ký Công ước UNESCO 1970 về chống buôn bán trái phép các tài sản văn hóa chia sẻ, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội trong khu vực, sự mở rộng nhanh chóng của thị trường nghệ thuật, đặc biệt là trên internet, đã làm gia tăng nhu cầu mua các hiện vật văn hóa. Từ đógia tăng nguy cơ buôn bán trái phép các hiện vật văn hóa có nguồn gốc từ các quốc gia chưa có đầy đủ biện pháp phòng chống.
Theo đó, ông đưa ra nhận định: “Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm lớn về buôn bán trái phép đồng thời là nguồn của các hiện vật văn hóa và điểm trung chuyển”.
Cần sự hợp tác xuyên biên giới
Theo bà Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng thất thoát, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, trong những năm qua Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như triển khai nhiều hoạt động quan trọng để thực thi bảo vệ các tài sản văn hóa này.
Dẫu vậy, trên bình diện quốc tế, việc ngăn chặn tình trạng thất thoát, chống buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép tài sản văn hóa luôn diễn ra gay go, phức tạp, không dễ gì để một quốc gia sẵn lòng trao trả những hiện vật văn hóa quý giá mà họ có được trở về những nước xuất xứ của những hiện vật đó.
Trong số 6 quốc gia tham gia hội thảo tập huấn nhằm nâng cao năng lực chống buôn bán các tài sản văn hóa, mới có 3 nước là Việt Nam, Myanmar, Campuchia đã phê chuẩn Công ước 1970. Vì vậy, ông Edouar Planche mong muốn thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của từng quốc gia, tìm hiểu về những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt và chỉ ra những biện pháp thực hành tốt nhất sẽ cùng nhau đánh giá và vạch ra được chiến lược, các biện pháp bảo vệ, cơ chế địa phương để bảo vệ các khu di tích, di sản khỏi bị cướp bóc, chiến lược bồi thường...
Quan trọng hơn cả là xây dựng được sự hợp tác xuyên biên giới để cùng nhau ngăn chặn dòng chảy buôn bán trái phép những di sản văn hóa độc đáo của mỗi quốc gia.
Hội thảo - tập huấn quốc tế do UNESCO tổ chức lần này hướng đến những mục tiêu: Chuẩn bị tiến tới phê chuẩn các khung pháp lý, đặc biệt là Công ước 1970 của UNESCO về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa và Công ước 1995 UNIDROIT về các tài sản văn hóa bị đánh cắp và xuất khẩu trái phép; Hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng công cụ pháp lý hiệu quả để bảo vệ các di sản văn hóa; Củng cố các cơ chế tại địa phương nhằm bảo vệ các khu di sản văn hóa trước nạn trộm cắp, đặc biệt là lực lượng công an và hải quan; Xây dựng năng lực kiểm kê và năng lực sử dụng các công cụ thực hiện; Nâng cao nhận thức về các quy trình thu hồi/hoàn trả; Xây dựng mạng lưới các bên liên quan trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa ở cấp quốc gia và tiểu khu vực; Củng cố các chương trình quảng bá và giáo dục hiện có trong khu vực. |