HLV Miura và bóng đá Việt Nam: Ai bắt bệnh ai?
Những ngày qua, cuộc trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn của HLV Toshiya Miura trên tạp chí Newspicks (Nhật Bản) nhận được sự quan tâm của báo chí và dư luận. Một lần nữa, bất chấp việc phải rời ghế HLV trưởng, ông Miura đã lại nói thẳng, nói thật về những mặt tồn tại của bóng đá Việt Nam.
HLV Miura dường như vẫn loay hoay chưa xây dựng lối chơi nào là phù hợp với ĐTVN.
Bóng đá Việt trong mắt HLV Miura
HLV Miura từng gây sốt với những chia sẻ rất thẳng thắn của mình với giới truyền thông Nhật, về những điều mà mình được “tai nghe, mắt thấy” khi làm việc tại Việt Nam. Ông Miura rất ngạc nhiên với phong cách làm việc của VFF, bị “choáng” bởi sở thích, thói quen uống bia, ngủ trưa của người Việt Nam. Còn với các cầu thủ, nhìn chung ông Miura không đánh giá cao về tác phong chuyên nghiệp.
Trả lời báo chí Nhật Bản trên trang Newspicks, HLV Miura nhấn mạnh phong cách chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam nói riêng, bóng đá Đông Nam Á nói chung, đều khó có thể đạt đến tầm châu lục.
“Họ có nhiều vấn đề. Họ không không phải là những đội bóng có tinh thần làm việc cao. Tôi có thể lấy một ví dụ thế này: khi mất bóng các cầu thủ không có ý thức tranh cướp lại bóng, có người chỉ đứng chơi. Còn về chiến thuật, các cầu thủ thưa có ý thức chơi phòng ngự”, HLV Miura nói.
HLV Miura kể về một số CLB hàng đầu Việt Nam như B.Bình Dương hay Hà Nội T&T khi không còn động lực, đã để thua những trận với tỷ số đậm. Các đội bóng châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc không bao giờ có chuyện như vậy.
Cũng theo chiến lược gia người Nhật Bản, việc bóng đá Việt Nam, cụ thể là các CLB chưa thể phát triển ngoài trình độ kém, còn vì nguyên nhân ít khi nghiên cứu đối thủ.
“Từ khi làm việc ở Việt Nam tôi luôn tìm hiểu các đối thủ mỗi khi thi đấu, nhưng các đội bóng sở đây ít khi làm điều đó. Ở Việt Nam họ chỉ quan tâm đến kết quả trước mắt”, ông Miura chia sẻ.
Từ việc có những đánh giá chung về trình độ của bóng đá Việt Nam cũng như Đông Nam Á, HLV Miura đã “cảnh báo” chuyến xuất ngoại sắp tới của Công Phượng, Tuấn Anh… sẽ gặp rất nhiều thách thức lớn. Cơ sở để HLV Miura đưa ra nhận định này chính là sau trận thua đậm của U23 Việt Nam trước đội bóng hạng tư Nhật Bản JFL Selection trên sân Hàng Đẫy (cả lượt đi và về với tỷ số 0-5). Dù chỉ là đội bóng bán chuyên nghiệp, nhưng tất cả đã thấy JFL Selection chơi bài bản và đã làm khổ hàng thủ U23 Việt Nam như nào.
“Về kỹ thuật, tôi nghĩ, Công Phượng và Tuấn Anh được đào tạo bài bản nhưng chỉ kỹ thuật thôi là chưa đủ mà thể lực đóng vai trò rất, rất quan trọng. Hãy nhìn các cầu thủ của đội hạng 4 Nhật Bản thi đấu. Họ dường như không biết mệt và không bị đau sau những pha tranh chấp. Công Phượng và Tuấn Anh cần phải nỗ lực cải thiện lối chơi cũng như nên tảng thể lực. Chỉ có như vậy, họ mới có thể thích nghi với môi trường bóng đá Nhật Bản vốn phát triển hơn Việt Nam rất nhiều”, HLV Miura đưa ra những lời khuyên trước chuyến xuất ngoại của 2 tài năng Học viện bóng đá HA Gia Lai.
Miura trong mắt cầu thủ Việt
Những phát biểu chẳng khác nào “kể xấu” bóng đá Việt Nam với giới truyền thông Nhật Bản, không phải là lần đầu của HLV Miura. Thế nhưng, đó đều là những chia sẻ thẳng và rất thật. Song, những phát biểu này được đưa ra ở đúng thời điểm rất “nhạy cảm”, khi VFF đang cân nhắc sa thải HLV người Nhật Bản.
Hơn nữa, việc HLV Miura đưa ra nhận xét một cách tổng thể về bóng đá Việt Nam, liệu đã thực sự chính xác một cách toàn diện?
Theo cựu tiền đạo Văn Quyến, những lời chia sẻ của HLV Miura có cái đúng, nhưng cũng có cái chưa đúng. Cựu thần đồng bóng đá Việt Nam cho rằng, với HLV Miura, trong nhiều ngày qua, các chuyên gia, HLV nội đã chỉ ra rất nhiều điểm yếu và khả năng thích hợp với bóng đá Việt Nam. Cụ thể ông Miura chưa có sự hiểu biết nhất định về cầu thủ và bóng đá Việt Nam.
“Vì sao HLV Calisto đưa Tài Em từ cầu thủ vô danh trở thành cầu thủ lớn. Ông ấy hiểu và biết Tài Em là cầu thủ như thế nào, mạnh yếu ở đâu để sử dụng. Và cái may và cái hay của ông Calisto là đã có thời gian làm việc với Tài Em ở CLB. Từ câu chuyện này đã nói lên một điều, muốn cầu thủ phát huy điểm mạnh của mình, HLV trưởng phải là người hiểu nhất về học trò”, Văn Quyến bày tỏ quan điểm.
Thực tế, trước khi lên tuyển, các HLV ngoại như Calisto hay Rield đều đã hiểu rất rõ lối chơi của các đội bóng V-League, điểm mạnh, điểm yếu của từng cầu thủ. Vì thế, khi dẫn dắt ĐTVN hay U23, lối chơi được định hình rất nhanh và rõ nét, bởi HLV trưởng chỉ phải lắp ráp đội hình sao cho phù hợp nhất với từng trận đấu cụ thể.
Còn với HLV Miura, ông thầy người Nhật Bản dường như vẫn loay hoay chưa biết xây dựng lối chơi nào là phù hợp với ĐTVN. Đành rằng gặp các đối thủ khác nhau ĐTVN sẽ chơi kiểu khác nhau, nhưng nền tảng thì phải có sự ổn định. Hãy nhìn sang Thái Lan, nhiều năm qua đội bóng này chơi với phong cách gần như không có gì thay đổi. Và điều đáng nói hơn cả là lối chơi của ĐTQG hay U23, cũng không khác nhiều so với lối chơi của các CLB tại Thai-League.
VFF sớm nhận ra những hạn chế của HLV Miura khi sang Việt Nam làm việc. Ông thầy người Nhật Bản này lần đầu tiên được dẫn dắt một ĐTQG và điều này khác rất nhiều với việc dẫn dắt một CLB.
HLV Miura có những đánh giá đúng, nhưng bóng đá Việt Nam cũng có thể đặt ngược câu hỏi với ông về những gì đã làm được trong thời gian hơn 1 năm qua. Có lẽ chỉ khi nào cả hai có sự giao thoa, tìm được tiếng nói chung với nhau, khi đó mới không có những câu chuyện kể xấu nhau như thời gian qua.