Việt Nam - Hoa Kỳ: Tăng cường hợp tác toàn diện
Từ kim ngạch 100 triệu USD xuất sang Việt Nam vào năm 1995, sau 20 năm đã tăng lên 30 tỷ USD, và cơ hội hợp tác phát triển giữa hai nước còn rất lớn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Đó là những vấn đề được nhìn nhận tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 18/12.
Hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng mạnh thời gian qua.
Nhìn nhận về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm, Trung tướng Dan Leaf, lực lượng không quân Hoa Kỳ cho rằng, không bên nào quên đi quá khứ nhưng thay vào đó là mỗi bên đã chọn cách chú trọng vào tương lai để vượt qua những đau thương trong lịch sử, nỗ lực để giải quyết các vấn đề như chất độc da cam, tháo gỡ bom mìn còn sót lại và tìm kiếm các liệt sĩ vô danh vẫn còn chưa tìm được hài cốt hàng thập kỷ qua sau chiến tranh.
“Mối quan hệ hiện tại giữa hai nước đang được xây dựng trên những nỗ lực không ngừng nghỉ, tuân thủ các nguyên tắc và tìm được tiếng nói chung. Nó được thành lập dựa trên việc tháo gỡ các khó khăn trong việc giải quyết hậu quả của chiến tranh” - Trung tướng Dan Leaf bày tỏ.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ song phương Việt - Mỹ đã có những bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực giữa hai quốc gia trong đó, các vấn đề về lao động và xã hội được xem là những vấn đề ưu tiên quan tâm của hai bên cả trong diễn đàn song phương và các diễn đàn đa phương.
Bà Lan cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển về kinh tế xã hội ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam, trong 5 năm qua các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội đang chuyển từ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật sang hợp tác song phương toàn diện.
Các dự án, chương trình hợp tác được xây dựng trên cơ sở tham vấn trao đổi và thống nhất giữa các bên do đó tối đa hóa được các ưu tiên của Việt Nam đưa các hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn, tăng cường được vai trò tự chủ của Việt Nam.
Từ đó bà Lan cho rằng, cần chính thức hóa và tăng cường viện trợ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân đạo và lĩnh vực xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực như hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học và người khuyết tật, hỗ trợ nạn nhân thiên tai, dạy nghề, khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Đối với các hoạt động hợp tác mới, đặc biệt là khi Hiệp định TPP bước vào giai đoạn triển khai mới, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, cần tăng cường các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện và triển khai hệ thống pháp luật, thực hiện chính sách liên quan đến các lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề trong quá trình hội nhập quốc tế để đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Ông Nguyễn Bá Hùng- Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao cho rằng, 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ cho đến nay nét nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai quốc gia chính là quan hệ thương mại.
Ông Hùng dẫn chứng: Từ kim ngạch 100 triệu USD Mỹ xuất sang Việt Nam năm 1995 đã tăng 30 tỷ USD sau 20 năm. Năm 2014 Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu dệt may và da giày, thứ 4 về sản phẩm gỗ sang Mỹ, và đã vượt qua Thái Lan và Malaysia để trở thành nước ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.
“Quan hệ thương mại Việt - Mỹ mở rộng đã tạo cơ hội làm ăn hiệu quả cho các công ty của Mỹ tại Việt Nam, một thị trường tiềm năng hàng đầu khu vực, xu hướng này giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Việt Nam đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”- ông Hùng bày tỏ.
Cơ hội mở rộng quan hệ ở phía trước còn rất lớn, đặc biệt từ Hiệp định TPP. Chính vì thế, theo ông Hùng, để đạt được những thành công lớn hơn, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường chất lượng nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính là những giải pháp quan trọng để Việt Nam chủ động khai thác tốt những cơ hội đó.