Nông thôn chủ yếu là hàng Trung Quốc
Theo TS Lê Đăng Doanh, thị trường nông thôn là “mảnh đất màu mỡ” song dường như các DN Việt vẫn còn bỏ ngỏ. “Tại các chợ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu xuất hiện các sản phẩm của Trung Quốc, ít thấy bóng dáng hàng Việt Nam".
Nhiều sản phẩm ngành hàng tiêu dùng nhanh trong nước
được người tiêu dùng lựa chọn.
Nhiều năm qua, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ngày càng có sự phát triển vượt bậc, đồng thời có sự đóng góp không nhỏ cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất của các DN trong nước đã có sức bứt phá đáng kể về đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ… Tuy nhiên, với xu hướng hội nhập ngày càng mạnh mẽ, các sản phẩm thuộc ngành hàng FMCG sẽ phải đối diện với những thách thức đến từ các DN ngoại.
Tăng trưởng đáng ghi nhận
Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam”.
Nhận định về sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong 5 năm trở lại đây, nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh như nước mắm, dầu thực vật, cà phê, sữa tươi... đã có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Đơn cử, với mặt hàng cà phê rang xay và hòa tan, theo thống kê của Nielsen Việt Nam cho thấy, đang có 20 nhà sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam, đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Sữa cũng là một mặt hàng thuộc nhóm FMCG có sự tăng trưởng trông thấy trong thời gian gần đây và luôn giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Theo bà Lê Việt Nga, trong những năm tới, sữa sẽ là ngành đứng trong danh sách những mặt hàng có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng, đạt mức 27 - 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Ngoài ra, các sản phẩm như bánh kẹo, mỳ ăn liền, nước mắm, đồ uống… cũng có tốc độ tiêu thụ đáng kể. Những con số nói trên dường như khẳng định rõ hơn về năng lực sản xuất của cộng đồng DN trong nước.
“Các DN đã và đang có những bước tiến đáng kể về đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, phát triển hệ thống phân phối trong tình hình kinh tế khó khăn” – bà Nga nhận định.
Giới chuyên gia và các DN tham dự hội thảo cũng nhìn nhận, hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam gần đây đã có sự cải thiện lớn về mẫu mã, chất lượng cũng như giá cả, được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn.
Tuy nhiên, cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt, tham gia Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tới 90% dòng thuế quan giữa các nước thành viên giảm về 0%, đây sẽ là những thách thức lớn đối với các DN thuộc ngành FMCG khi phải đối diện với hàng loạt các dòng sản phẩm đến từ những nước có thế mạnh về công nghệ sản xuất.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, hiện, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước, hàng xuất xứ từ Thái Lan đứng thứ hai, sau Trung Quốc.
Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Điểm lợi thế trong cạnh tranh của hàng hoá Thái Lan và Trung Quốc là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang được nhiều người tiêu dùng trong nước lựa chọn.
Đó còn chưa kể, gần đây, các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Bên cạnh đó, tâm lý của một nhóm người tiêu dùng vẫn còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng hóa do vẫn còn tâm lý sính ngoại…Trong khi, thực tế, hầu hết các DN công nghiệp tiêu dùng nhanh Việt Nam vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu chưa được biết đến nhiều trên thị trường khu vực và thế giới.
Đặc thù ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh có số lượng DN tham gia khá đông so với các ngành kinh tế khác, nên các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường xuyên diễn ra làm mất ổn định thị trường và niềm tin đối với người tiêu dùng... Đây thực sự là bài toán khó đối với các DN ngành hàng tiêu dùng nhanh nội địa.
Khu vực nông thôn là mảnh đất màu mỡ
Đối diện với những thách thức nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, các DN ngành FMCG cần nỗ lực tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, trước hết phải nắm giữ được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, rồi mới tính tới thị trường ngoài nước.
Theo TS Lê Đăng Doanh, thị trường nông thôn là “mảnh đất màu mỡ” song dường như các DN Việt vẫn còn bỏ ngỏ.
“Tại các chợ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu xuất hiện các sản phẩm của Trung Quốc, ít thấy bóng dáng hàng Việt Nam. Tôi cho rằng, các DN Việt cần quan tâm xây dựng chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa hơn nữa. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cũng cần phải có những hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước trong các chi phí vận chuyển, đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện hơn cho các DN đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…” – TS Lê Đăng Doanh đề xuất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các DN Việt cần thiết phải tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, sử dụng nguồn hàng của nhau... tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành. Trong đó, các DN Việt cần phải đạt được những yêu cầu sau mới có thể trụ vững trước làn sóng hội nhập đang ở rất gần. Đó là, khả năng chịu đựng, thích nghi được với những biến động từ bên ngoài.
Yêu cầu thứ hai là tăng trưởng bền vững thay vì tốc độ tăng trưởng cao. Đầu tư sáng tạo, luôn tạo ra sự khác biệt là yêu cầu thứ ba.
“Đạt được những yêu cầu đó, chắc chắn các DN có thể khẳng định được mình ngay khi thời điểm cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ 31/12 tới đây”- TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN, đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho hay: Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục mở rộng các điểm bán hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu vùng xa; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và hàng rào kỹ thuật thương mại; Nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng tạo điều kiện hơn nữa cho các DN trong nước hoạt động sản xuất được thuận lợi.