Mua bán hàng qua mạng: Cần hiểu rõ luật chơi

Hồ Hương (thực hiện) 20/12/2015 09:10

Doanh thu thị trường thương mại điện tử trong nước cả năm 2015 ước đạt 4 tỷ USD. Trong số 40 triệu người sử dụng Internet thì có đến 58% người từng mua sắm trực tuyến. Có người ví von, thương mại điện tử Việt Nam đang chờ vươn vai. Ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin-VECITA (Bộ Công thương) nhận định việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào đầu năm 2016 sẽ còn mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh hơn nữa trong lĩnh vực này.

PV:Thưa ông, kinh doanh trực tuyến đã và đang trở thành xu thế trong hoạt động kinh doanh. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng có hẳn một chương riêng về thương mại điện tử (TMĐT). Nhưng chúng ta cũng biết Việt Nam là nước có xuất phát điểm thấp so với 11 nước còn lại trong TPP. Từ đây đặt ra thách thức gì cho TMĐT nước nhà?

Ông Trần Hữu Linh: TPP đòi hỏi các nước thành viên hoàn thiện hơn nữa hạ tầng pháp lý nội địa nhằm đảm bảo TMĐT có một môi trường phát triển lành mạnh, hướng tới TMĐT xuyên biên giới trong cộng đồng TPP, từ đó, cùng nhau định hướng, xây dựng nền kinh tế số. Đối với Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định về TMĐT và các văn bản hướng dẫn đều được xây dựng dựa trên các nguyên tắc trong Luật mẫu về TMĐT của UNCITRAL.

Tuy nhiên, để hệ thống pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với các cam kết song phương, đa phương cũng như xu hướng, thực tiễn phát triển của TMĐT Việt Nam. Chúng ta cũng cần cân nhắc, xem xét về việc tham gia Công ước Chứng từ điện tử, tạo nền tảng giá trị pháp lý vững chắc cho chứng từ điện tử và triển khai sâu rộng trong các giao dịch giữa chính phủ và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

TPP khẳng định vai trò quan trọng của TMĐT trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, các nước thành viên TPP đồng thuận phối hợp cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ tận dụng lợi thế TMĐT trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quan hệ kinh doanh trong cộng đồng TPP với mức chi phí hợp lý.

TPP khuyến khích việc xây dựng các bộ nguyên tắc chung, hợp đồng mẫu, cơ chế thực thi, triển khai chung nhằm tạo môi trường đồng nhất triển khai TMĐT trong TPP.

TMĐT xuyên biên giới đang từng bước trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT xuyên biên giới vẫn còn khá nhiều thách thức đối với doanh nghiệp nội?

-Doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ (MSMEs) của Việt Nam cần năng động hơn và nắm rõ các nguyên tắc kinh doanh của mô hình mới này nhằm tận dụng, khai thác tối đa các lợi ích do TPP mang lại. Như vậy, khi đã nắm rõ “luật chơi”, doanh nghiệp MSMEs Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ cộng đồng TPP trong việc chuẩn hóa mô hình kinh doanh, được quốc tế hóa thông qua mở rộng mạng lưới quan hệ kinh doanh trong khu vực.

Ngược lại, với TPP, các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng thâm nhập thị trường TMĐT Việt Nam. Đây được dự đoán sẽ tạo cú hích cho thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời cũng là thách thức. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đều có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vì vậy, việc tham gia của các doanh nghiệp không còn là yếu tố mới mà được nhận định sẽ tạo ra một xu hướng vận động mới, thừa kế từ các thị trường TMĐT đã phát triển chín muồi như Hoa Kỳ, Nhật Bản, v.v…

Theo TPP, các giao dịch điện tử không bị áp dụng thuế quan. Vậy người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi gì?

- Vì TPP cũng ngăn không cho phép các nước thành viên ưu đãi các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp sản phẩm truyền tin điện tử nội địa bằng cách áp dụng các biện pháp mang tính phân biệt đối xử hay khóa, chặn hoàn toàn việc truyền tin. Người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nội dung số với ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ TPP.

Phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ nội dung số được dự đoán sẽ là một lĩnh vực thu hút sức sáng tạo của các bạn trẻ, đặc biệt các mô hình start-up.

Vậy còn việc bảo vệ thông tin cá nhân và người tiêu dùng trực tuyến?

-Nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng, các nước TPP thống nhất thông qua và duy trì các điều luật bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến các hành vi giả mạo, gian lận thương mại trên mạng cũng như đảm bảo các biện pháp bảo vệ tính riêng tư và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khác có thể được áp dụng vào thị trường của các nước TPP.

Các nước TPP cũng phải đưa ra các biện pháp nhằm chấm dứt các tin nhắn rác. Đồng thời, TPP khuyến khích sự hợp tác về chính sách liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng trên mạng, các nguy cơ và năng lực đối phó với tội phạm mạng.

Với thương mại điện tử, người tiêu dùng, kể cả doanh nghiệp hoàn toàn có thể gặp rủi ro, nếu không hiểu rõ các quy định cũng như phương thức thực hiện. Việc này không phải là hiếm, thưa ông?

-Nhiều doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam hiện nay chọn giải pháp kinh doanh hoàn toàn dựa trên hình thức thanh toán giao hàng nhận tiền mà không sử dụng thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên việc thanh toán bằng giao hàng nhận tiền đem lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp về chi phí, khả năng trả lại đơn hàng cao và hình ảnh chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc triển khai các phương thức thanh toán điện tử là cần thiết trong tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị hạ tầng và phối hợp với cơ quan nhà nước để đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến. Hình thức có thể thông qua các hình thức khuyến mại khi sử dụng thanh toán trực tuyến, hoặc hỗ trợ trực tiếp, phối hợp với các ngân hàng.

Các sàn giao dịch thương mại điện tử đều đầu tư bài bản hướng đến lợi ích người bán và tạo niềm tin đối với người mua. TMĐT Việt Nam sẽ có bước chuyển mình đáng kể trong năm tới?

-TMĐT hiện diện tại hầu hết các cam kết thương mại song phương và đa phương trong thời gian vừa qua cho thấy vai trò của TMĐT trong việc thúc đẩy kinh tế và tạo xu hướng mới trong thời đại kinh tế số toàn cầu.

TMĐT Việt Nam cũng nằm trong xu thế vận động đó và sẽ tạo ra những bước phát triển mới trong thời gian tới. Khi thanh toán điện tử, vấn đề về logistics, đặc biệt lòng tin người tiêu dùng được cải thiện, TMĐT Việt Nam sẽ nắm bắt được những lợi thế từ các cam kết thương mại mà Việt Nam đã tham gia.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Hương (thực hiện)